Dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank tăng đột biến

Trần Anh - 15:51, 23/10/2018

TheLEADERNgân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 với lợi nhuận hoạt động tăng trưởng 67% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm gần một nửa do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bất ngờ tăng vọt.

Báo cáo của ngân hàng cho biết, đến cuối tháng 9, quy mô tín dụng đạt 253 nghìn tỷ đồng và tiền gửi khách hàng đạt 357 nghìn tỷ, tăng trưởng lần lượt 14% và 12% so với thời điểm đầu năm.

Tăng trưởng huy động và cho vay giúp, mảng kinh doanh cốt lõi của Sacombank có kết quả khả quan. Cụ thể, tiền lãi thu được từ cho vay tăng 1.026 tỷ đồng so với quý 3 năm 2017. Chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay tăng thấp hơn (684,5 tỷ đồng). Nhờ đó, thu nhập lãi thuần trong quý 3 đạt 2.070 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Các mảng hoạt động dịch vụ, ngoại hối của Sacombank trong quý 3 cũng tăng trưởng lần lượt 37% và 66%.

Mặc dù vậy, Sacombank phải ghi nhận lợi nhuận thấp do chi phí hoạt động tăng 19% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 163 tỷ đồng, bằng gần 1/2 so với quý 3/2017.

Đây là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất trong vòng một năm qua của Sacombank. Lợi nhuận quý 3 thấp khiến cho tổng lợi nhuận từ đầu năm của Sacombank chỉ tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 931 tỷ đồng.

Trong quý 3, ngân hàng đã phải dự phòng 664 tỷ đồng chi phí cho hoạt động tín dụng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm một nửa trong tổng dự phòng từ đầu năm 2018.

Dù tỷ lệ nợ xấu của Sacombank liên tục giảm kể từ khi ngân hàng thực hiện đề án tái cơ cấu nhưng đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn còn 3,2%, tương đương khoảng 8.335 tỷ đồng.

Theo báo cáo, ngân hàng đã dự phòng hơn 3.843 tỷ đồng cho khối nợ xấu này, bao gồm dự phòng chung đạt 2.082 tỷ đồng, dự phòng khoản nợ cụ thể dạt 1.761 tỷ đồng. Quy mô dự phòng trong năm nay của Sacombank lớn hơn và tăng nhanh hơn nhiều nếu so sánh với năm trước đó.

Ngoài nợ xấu được phân loại trong danh mục cho vay, Sacombank còn bán cho VAMC khoảng 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu để nắm giữ các trái phiếu thời hạn 10 năm và lãi suất 0%. Các khoản nợ xấu này được bán chủ yếu trong năm 2016 (khoảng 23 nghìn tỷ đồng) và năm 2017 (khoảng 13 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên ngân hàng mới chỉ dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng cho các trái phiếu này. Việc dự phòng của Sacombank được thực hiện theo đề án tái cơ cấu ngân hàng và các quy định của NHNN.

Ngoài nợ xấu, báo cáo tài chính của Sacombank vẫn đang ghi nhận hơn 45 nghìn tỷ đồng các tài sản có khác bao gồm chủ yếu là lãi, phí phải thu và các khoản phải thu bên ngoài.

Trong đó có hơn 19 nghìn tỷ đồng lãi dự thu cho vay khách hàng được khoanh lại để phân bổ dần vào chi phí hoạt động của ngân hàng theo năng lực tài chính trong vòng tối đa là 10 năm.

Các khoản phải thu chủ yếu là tài sản cấn trừ nợ, trong đó có 8.280 tỷ đồng liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo tại KCN Đức Hòa III, Long An. Tài sản này được bán đấu giá thành công cuối năm ngoái trị giá 9.200 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ nhận được 10% số tiền còn lại người mua được trả chậm trong 7 năm với lãi suất 7,5%/năm.

Từ năm ngoái, Sacombank liên tục rao bán, đấu giá các tài sản bảo đảm là bất động sản quy mô lớn, chủ yếu nằm tại TP.HCM, trong đó nhiều dự án liên quan đến ông Trầm Bê, người từng là Phó chủ tịch HĐQT của Sacombank từ năm 2012 đến 2015.

Cuối tháng trước, ngân hàng thông báo đấu giá tài sản gắn liền với KCN Phong Phú, tại huyện Bình Chánh rộng 134 ha với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Tài sản này hiện đang được giảm giá khởi điểm xuống còn 6.650 tỷ đồng.

Tại quận Bình Tân, một tài sản gồm toàn bộ khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B có tổng diện tích hơn 530.000 m2, giá khởi điểm là 6.698 tỷ đồng.

Ngòai ra, dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy tại TP. Cần Thơ được ngân hàng rao bán với giá 3.652 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích hơn 600.000 m2, cách trung tâm thành phố khoảng 4,5 km, bao gồm 2.455 quyền sử dụng đất.