Đưa nông thôn trở thành ‘nơi đáng sống’

Phạm Sơn - 09:26, 09/02/2022

TheLEADERPhát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, tập trung vào giá trị năng suất, hiện đại, hiệu quả và bền vững là định hướng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Đây là nội dung của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 2,5 – 3%, năng suất tăng trưởng bình quân 5,5 – 6% mỗi năm. Cùng với tăng trưởng năng suất, thu nhập cư dân khu vực nông thôn sẽ tăng từ 2,5 – 3 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 – 1,5% mỗi năm.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp phải tích cực chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, định hướng nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Đến năm 2030, phát thải khí nhà kính từ ngành nông nghiệp giảm 10% so với năm 2020.

Nông nghiệp phải duy trì vai trò an ninh lương thực, ổn định kinh tế xã hội, đồng thời thực hiện cam kết của quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Thực tế, trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, xã hội gây ra bởi đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã chứng tỏ vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Việc khơi luồng lưu thông nông sản hiệu quả, đặc biệt tại khu vực miền nam trong đợt bùng phát dịch thứ 4 là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đứng vững qua thời gian giãn cách xã hội, duy trì được đà tăng trưởng dương năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhiều lần nhắc tới “3 biến” của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi trong xu thế tiêu dùng của thế giới.

Để ứng phó với “3 biến” này, cần có sự thay đổi tư duy từ sản lượng sang tư duy giá trị, canh tác nông nghiệp bền vững và kết nối chặt chẽ với thị trường. Đây chính là tinh thần đặc biệt quan trọng của chiến lược cho ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đưa ra định hướng chung, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể cho các ngành.

Về trồng trọt, cần đổi mới cây trồng, quản lý sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, linh hoạt. Ưu tiên phát triển cây trồng có nhu cầu lớn và có lợi thế so sánh, bên cạnh việc phát triền cây có tiềm năng như dược liệu, cây cảnh, nấm…

Về chăn nuôi, phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu, tập trung phát triển những loài vật nuôi có tiềm năng và thị trường tiêu thụ lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng vật nuôi bản địa, đặc sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh dịch bệnh.

Chăn nuôi theo hình thức trang trại, doanh nghiệp lớn, áp dụng công nghệ cao, chuyên nghiệp hóa và chăn nuôi hữu cơ. Khu vực chăn nuôi tập trung theo quy mô, tránh xa khu dân cư, thuận lợi cho xử lý ô nhiễm, xử lý dịch bệnh.

Thủy sản gắn liền với việc hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ứng dụng kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh nông nghiệp, kinh tế nông thôn cũng là hướng đi quan trọng. Theo đó, không chỉ duy trì lực lượng lao động chất lượng cao cho nông nghiệp (ít nhất 70% lao động nông nghiệp đã qua đào tạo), mà còn chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp.

Một số ngành nghề cần được chú trọng như chế biến nông sản, logistics phục vụ nông sản, phát triển văn hóa, du lịch nông nghiệp, phát triển nghề truyền thống… Đây là những lĩnh vực rất có tiềm năng, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập nông thôn, đưa nông thôn Việt Nam trở thành nơi đáng sống.