Giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất 'ì ạch'

An Chi - 16:14, 01/07/2022

TheLEADERTỷ lệ ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm 2022 ước đạt chỉ hơn 27%, con số rất thấp so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất 'ì ạch'
Tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch

Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng, ước thực hiện 6 tháng kế hoạch năm 2022.

Theo đó, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, báo cáo cho biết, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 31/5/2022 là 110.130 tỷ đồng, đạt 18,8% kế hoạch (585.655 tỷ đồng) và đạt 20,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (542.105 tỷ đồng). 

Cùng kỳ năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,97% kế hoạch và đạt 25,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 107.946 tỷ đồng (đạt 19,60% kế hoạch giao là 550.855 tỷ đồng). Vốn nước ngoài là 2.184 tỷ đồng (đạt 6,28% kế hoạch giao là 34.800 tỷ đồng).

Ước thanh toán từ đầu năm đến 30/6/2022 là 150.415 tỷ đồng, đạt 25,68% kế hoạch (đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2021 đạt 26,23% kế hoạch và đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 147.418 tỷ đồng (đạt 26,76% kế hoạch và đạt 29,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Vốn nước ngoài là 2.996 tỷ đồng (đạt 8,61% kế hoạch).

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (29,02%). Trong đó vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%), vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).

Có 07 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%); Ngân hàng phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Phú Thọ (51,13%), Lâm Đồng (47,68%), Bình Thuận (45,06%), Ninh Bình (43,88%), Tiền Giang (42,7%).

Có 40/51 Bộ và 25/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó có 25 Bộ và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% (trong đó 04 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn).

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế (thuộc thẩm quyền xử lý của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương), kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu tư nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần vốn.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công cần được đề cao. Các địa phương rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Trước đó, về câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, đây không phải vấn đề mới. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nhìn nhận từ nhiều năm qua, tuy nhiên, vẫn chưa được khắc phục một cách toàn diện. 

Ông Hưng chỉ ra bốn lý do khiến vốn đầu tư công bị giải ngân chậm. Thứ nhất là công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ, ngành, địa phương đối với các dự án là yếu, thể hiện ở chỗ dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không được các bộ ngành, địa phương phân bổ được hết ngay từ đầu năm mà phân bổ nhiều lần trong năm.

"Đến thời điểm hiện nay theo theo dõi của chúng tôi vẫn còn 11 bộ và 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm 2022 như Thủ tướng giao. Cái yếu trong khâu dự toán sẽ dẫn đến vấn đề chậm chạp trong khâu thực hiện, vướng vấn đề này vấn đề kia", ông Hưng nói.

Thứ hai là vấn đề về giải phóng mặt bằng. Trong thời gian qua giá nhà đất ở một số địa phương tăng mạnh. Đây cũng là một yếu tố dẫn đến giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc.

Thứ ba là giá cả nguyên vật liệu tăng cao, điều này khiến nhiều chủ đầu tư thậm chí bỏ cọc để không bị lỗ gây ảnh hưởng đến tiến độ của rất nhiều dự án.

Cuối cùng vẫn là khâu tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu. Cùng một mặt bằng thể chế nhưng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt nhưng cũng có những bộ, ngành, địa phương giải ngân kém hơn.