Gói hỗ trợ Covid-19 tiếp theo dự kiến có quy mô 26.000 tỷ đồng

Nhật Hạ - 08:15, 01/07/2021

TheLEADERGói chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19 tiếp theo dự kiến có quy mô 26.000 tỷ đồng với nhiều nội dung mới được bổ sung so với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng trước đó.

Gói hỗ trợ Covid-19 tiếp theo dự kiến có quy mô 26.000 tỷ đồng
Lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm trong quý II/2021.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 (gói 62.000 tỷ đồng), Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật mới đây.

Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ đợt này dự kiến khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.

Thủ tướng nhấn mạnh, nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

Trước đó, vào tháng 4/2020, gói hỗ trợ an sinh lần thứ nhất trị giá gần 62.000 tỷ đồng do Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất Chính phủ ban hành.

Theo đó, dự kiến ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt khoảng 35.880 tỷ đồng; cho vay tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội 16.200 tỷ đồng; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tính đến tháng 5/2021, gói hỗ trợ này mới giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu, chủ yếu chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp…

Trong khi đó, tỷ lệ được hỗ trợ thấp hơn so với dự kiến, đặc biệt việc triển khai tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất còn chậm đến với doanh nghiệp.

Ngày 15/6, đánh giá về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc triển khai thực hiện còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn.

Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương, chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỷ đồng, chiếm 0,26%; gói hỗ trợ qua chính sách tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất mới giải ngân được 12%.

Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần có đánh giá toàn diện chính sách hỗ trợ thời gian vừa qua, từ đó đưa ra dự báo, kịch bản với những đề xuất phù hợp để hỗ trợ hiệu quả hơn.

Làn sóng Covid-19 thứ 4 vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính đến trưa ngày 30/6, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 là 13.262 ca, lan ra 50 tỉnh thành phố trên cả nước.

Trong bối cảnh đó, tình hình lao động, việc làm quý II/2021 chịu ảnh hưởng, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng, theo Tổng cục Thống kê.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho rằng, đợt dịch này tác động mạnh vào khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tập trung lượng lớn lao động. Dự báo số lượng lao động bị ảnh hưởng do phải cách ly, bị ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh, mức cao nhất có thể lên tới 2 - 2,5 triệu người.