Hà Nội tăng đầu tư cho công nghiệp văn hóa

Minh Anh - 14:46, 26/04/2022

TheLEADERĐến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa dự kiến sẽ đóng góp khoảng 8% GRDP của Hà Nội.

Hà Nội tăng đầu tư cho công nghiệp văn hóa
Hà Nội đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

UBND TP. Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Trong đó, đáng chú ý về nhóm chỉ tiêu công nghiệp văn hóa, giai đoạn đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

Thành phố sẽ cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện thể chế và sẵn sàng cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính chuyên nghiệp; sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa Hà Nội. 

Qua đó, đưa Hà Nội cạnh tranh được với các nước trong khu vực; giữ vững và phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo. Ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.

Giai đoạn đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố. 

Công nghiệp văn hóa được phát triển trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc và Thủ đô, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. 

Hà Nội quyết tâm đưa công nghiệp văn hóa thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hướng đến mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước ra khu vực và thế giới.

Để làm được điều này, Hà Nội đang có kế hoạch tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung và có cơ chế chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa. Dự kiến, mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội cũng nêu rõ, thành phố sẽ tập trung phát triển văn hóa, con người Hà Nội, để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Hà Nội xác định mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là xây dựng và phát triển văn hóa, người Hà Nội toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của phát triển kinh tế xã hội, thiên tai, dịch bệnh và những tác động khác.

Theo định nghĩa của UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT, công nghiệp văn hóa là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Không gian phát triển của công nghiệp văn hóa là văn hóa, nghệ thuật, song quá trình tạo thành sản phẩm công nghiệp văn hóa không dừng lại ở sáng tạo tác phẩm, mà bắt đầu từ sáng tạo để một quy trình sản xuất, đóng gói, phân phối và lưu thông được vận hành, tạo nên nguồn doanh thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.