Hà Nội trao thưởng 2 tỷ đồng cho đề xuất chống ùn tắc giao thông bằng phát triển BRT

Minh Anh - 05:00, 12/09/2017

TheLEADERGiải thưởng ý tưởng chống ùn tắc giao thông trị giá 100.000 USD đã được trao cho liên danh ba đơn vị, trong đó có hai công ty nước ngoài.

Hà Nội trao thưởng 2 tỷ đồng cho đề xuất chống ùn tắc giao thông bằng phát triển BRT
Ảnh minh họa. Nguồn Dân Trí

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội trao giải cuộc thi “Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Theo đó, cuộc thi này không có giải nhất. Giải nhì thuộc về liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI) với trị giá giải thưởng là 100.000 USD, tương đương 2 tỷ đồng.

Phương án đạt giải nhì đã đưa ra 7 chiến lược để chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội gồm: Mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ; Cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe. 

Phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị; Giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng; Đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, trách ùn tắc; Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng.

Trước đó, UBND TP. HCM đã quyết định dừng triển khai tuyến BRT đầu tiên trên đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ). Động thái này dựa trên nghiên cứu của Sở Giao thông vận tải về tính khả thi và hiệu quả của tuyến buýt nhanh.

Theo Sở Giao thông vận tải, lượng khách năm đầu tiên chỉ khoảng 17.700 người một ngày, không giống như dự báo trước đây là hơn 24.700 người. Sản lượng hơn không nhiều so với các tuyến buýt thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư BRT rất lớn.

Nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, thành phố không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT… Ngoài ra, còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.