Hai thập kỷ lận đận của khu du lịch Hải Thuận

Nguyễn Cảnh - 08:23, 06/04/2021

TheLEADERSau 19 năm từ khi được giao đất, khu du lịch Hải Thuận tại Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn tiếp tục xin giãn tiến độ hoàn thành.

Hai thập kỷ lận đận của khu du lịch Hải Thuận
Khu du lịch Hải Thuận sẽ được 'xử mẫu' cho 15 dự án đã hết thời gian giãn tiến độ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

19 năm trước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thu hồi khoảng 18,95ha đất tại Bến Cát – Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) và cho Công ty CP Đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Hải Thuận (gọi tắt là Công ty Hải Thuận) thuê toàn bộ diện tích này với hình thức trả tiền hàng năm để đầu tư xây dựng khu du lịch Hải Thuận. Công ty đã chuyển sang hình thức nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất từ tháng 1/2006.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư hồi tháng 9/2011, chủ đầu tư dự kiến khởi công ngay trong năm, hoàn thành đưa vào hoạt động từ tháng 12/2016, tổng vốn đầu tư khoảng 608,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới tháng 11/2016, dự án mới chỉ hoàn thành các hạng mục: xây dựng hàng rào, trồng cây xanh toàn khu, san lấp mặt bằng, đường nội bộ… với diện tích 5ha, nhà ở nhân viên, văn phòng ban quản lý với số tiền khoảng 55 tỷ đồng.

Dự án chậm triển khai do vướng mắc trong đền bù và giải phóng mặt bằng (đến cuối năm 2012 mới được giải quyết). Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị giãn tiến độ dự kiến hoàn thành đến tháng 12/2018 và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2019. Đề nghị này đã được UBND tỉnh gật đầu với văn bản có nội dung cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng để tiếp tục triển khai dự án. Theo đó, dự án được lùi tiến độ dự kiến hoàn thành tới tháng 4/2019.

Năm 2020, dự án tiếp tục khiến địa phương này đau đầu về việc tiếp tục cho gia hạn hay thu hồi do tình trạng chậm triển khai. Từ tháng 7 tới tháng 12/2020, tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát đánh giá hậu quả pháp lý sau khi thu hồi, kiểm tra thực tế tình hình thực hiện dự án, phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm triển khai, trên cơ sở đó có ý kiến thống nhất cụ thể về việc thu hồi hay tiếp tục gia hạn dự án, tham mưu đề xuất UBND tỉnh.

Lựa chọn giữa phương án thu hồi hay gia hạn dự án, Sở Kế hoạch và đầu tư phân tích: Trong trường hợp chấm dứt hoạt động dự án, do đến thời điểm hết thời gian giãn tiến độ và gia hạn đất 24 tháng (tháng 5/2019), nhà đầu tư chỉ mới triển khai xây dựng 2 công trình (nhà hàng với diện tích 580m2 và hoàn thành phần thô 1 nhà nghỉ đơn lập với diện tích 210m2). Việc chậm triển khai dự án được Sở Tài nguyên và môi trường xác định nguyên nhân chậm triển khai thuộc trách nhiệm nhà đầu tư.

Thuận lợi của phương án này gồm: Đảm bảo phù hợp theo pháp luật về đất đai, đầu tư; việc chấm dứt hoạt động của dự án sẽ tác động đến các dự án chậm triển khai sắp hết thời gian giãn tiến độ, nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện của các dự án chậm triển khai sớm đưa dự án vào hoạt động kinh doanh theo đúng thời gian đã cam kết.

Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, dự án bị chấm dứt hoạt động sẽ không được bồi thường về đất và các tài sản trên đất sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư (theo báo cáo nhà đầu tư, dự án đã nộp tiền thuê đất một lần và đã triển khai xây dựng 1 nhà hàng, 1 biệt thự, hoàn thành phần bê tông cốt thép, xây tường 41/139 villa, tổng vốn thực hiện khoảng 345,79 tỷ đồng); Mất thời gian trong việc kêu gọi đầu tư, gây lãng phí tài nguyên đất (do phải xử lý tài sản trên đất, tạo nguồn đất sạch, xây dựng phương án thu hút nhà đầu tư mới) và xử lý khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư.

Đối với trường hợp chấp thuận cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, thuận lợi là giải quyết được kiến nghị của nhà đầu tư. UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét tạo điều kiện cho nhà đầu tư được tiếp tục giãn tiến độ triển khai dự án. Nhà đầu tư đã triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình, dự án đi vào hoạt động sẽ tạo được nguồn thu cho ngân sách tỉnh và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, vướng mắc của phương án này là: Không phù hợp theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai; các ngành chưa có ý kiến thống nhất về đề nghị tiếp tục thực hiện dự án của nhà đầu tư; nhà đầu tư chưa cung cấp các tài liệu chứng minh vốn góp để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định.

Liên quan đến việc xử lý dự án Hải Thuận, Sở Kế hoạch và đầu tư xác định: nguyên nhân chậm triển khai thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư và không thuộc trường hợp bất khả kháng; các vướng mắc có liên quan đến dự án đã được giải quyết tại thời điểm năm 2016, được giãn tiến độ 24 tháng vào năm 2016. Do đó, việc đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án là không phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo bổ sung của nhà đầu tư thì dự án gặp vướng mắc do nguyên nhân khách quan: “Năm 2017, dự án gặp vướng mắc đề án bảo vệ hành lang bờ biển của Sở Tài nguyên và môi trường, đến nay đề án vẫn chưa được phê duyệt và do bờ biển bị sạt lở nên công ty chưa đủ pháp lý để xin giấy phép xây dựng”. Sở Kế hoạch và đầu tư đã chuyển nội dung này để Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng rà soát.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 15 dự án đã hết thời gian giãn tiến độ, đã được gia hạn sử dụng đất nhưng chậm tiến độ, tình trạng tương tự như khu du lịch Hải Thuận, việc xử lý thu hồi đất đối với các dự án đã xây dựng công trình trên đất đối với các dự án hết thời gian gia hạn sử dụng đất chưa được thực hiện trên địa bàn.

Do các ngành chưa có ý kiến làm rõ vướng mắc theo kiến nghị bổ sung của nhà đầu tư; và nhằm đảm bảo thống nhất phương án xử lý đối với dự án trong trường hợp tương tự và tránh khiếu kiện sau này, Sở Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh xem xét tổ chức cuộc họp với với các sở, ngành liên quan để làm rõ các quy định liên quan về xử lý dự án chậm triển khai, các vướng mắc đối với từng phương án tổ chức thực hiện (chấm dứt/cho tiếp tục thực hiện dự án) làm cơ sở để xử lý kiến nghị của nhà đầu tư đảm bảo quy định pháp luật.

Công ty Hải Thuận cho biết vốn thực hiện đến tháng 12/2020 là 345,79 tỷ đồng. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án gồm: giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, sau đó chủ đầu tư phải giải quyết một số hộ dân thường xuyên gây áp lực đến hết năm 2012 mới bắt đầu được triển khai dự án; tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2012 – 2014.

Ngoài ra, năm 2017, dự án gặp vướng mắc đề án bảo vệ hành lang bờ biển, đến nay đề án vẫn chưa được phê duyệt và do bờ biển bị sạt lở nên công ty chưa đủ pháp lý để xin giấy phép xây dựng. 

Ngoài ra, lý do chủ quan là bộ máy nhân sự mới kiện toàn chưa nắm bắt hết được các vấn đề của dự án vào cuối năm 2018. Hiện tại Công ty Hải Thuận có vốn điều lệ 47,84 tỷ đồng, do ông Võ Tấn Khương làm giám đốc.

Công ty kiến nghị được tiếp tục thực hiện dự án và cam kết đưa dự án vào hoạt động quý IV/2022.