Hãy tin vào cuộc chiến

Lữ Ý Nhi - 11:40, 14/07/2021

TheLEADERDẫu cuộc chiến với giặc Covid-19 còn nhiều thách thức chưa nói trước được, dẫu thành phố còn nhiều lắm sự tổn thất và mất mát nhưng cuộc chiến nào rồi cũng sẽ qua. Tổn thất nào rồi cũng sẽ được bù đắp vì ngày mai “Trời sẽ lại sáng”.

Hãy tin vào cuộc chiến
Những hình ảnh đẹp đang lan toả và làm ấm lòng người giữa tâm dịch Covid-19. Ảnh: Facebook Đình Sơn

Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng có hơn 40 năm sống, làm việc và trưởng thành tại TP.HCM. Vì thế, thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai, cho tôi sự nghiệp, đầy ắp kỷ niệm và tính cách của người Sài Gòn mà đi đâu tôi cũng nhớ về.

Trước khi có dịch Covid-19, TP.HCM từng được gọi là thành phố nghĩa tình. Thế nhưng khi đó, tôi chưa thể cảm nhận được trọn vẹn giá trị của bốn chữ “Thành phố nghĩa tình” này.

Đầu năm 2020, cả nước và TP.HCM bước vào đợt chống dịch Covid-19 đầu tiên. Một tinh thần đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc, một tinh thần xích lại gần nhau nhất có thể, đã cho tôi thấu hiểu giá trị của thành phố nghĩa tình là thế nào. Hàng ngày, thông tin về những chuyến hàng cứu trợ nối tiếp nhau đến những vùng dịch, những số tiền của doanh nhân đóng góp phòng chống dịch cứ dài thêm, cho tôi nhận ra ân tình của người thành phố, của những doanh nhân đang sống và kinh doanh tại thành phố này.

Đợt dịch lần thứ tư trở lại, thành phố của tôi trở thành tâm điểm nóng của dịch bệnh và phải đóng cửa hoàn toàn. Một thành phố vốn nhộn nhịp, sôi động nay im ắng, vắng vẻ và xa lạ chưa từng có. Hàng quán đóng cửa, những người hàng xóm cũng chẳng dám bước qua nhau, một vài chiếc xe chạy vội vã trên đường không đủ tạo nên những âm thanh ồn ã. Một thành phố đang chìm vào giấc ngủ mà hơn 40 năm qua tôi mới lần đầu chứng kiến. 

Một thành phố bị thương thì nhiều doanh nghiệp và nhiều người lao động cũng bị đau theo.
Giám đốc một doanh nghiệp

Những ngày này xem truyền hình, thấy đâu đâu cũng chỉ cảnh dịch bệnh, những con số bệnh nhân gia tăng mỗi ngày, nỗi lo âu, cách ly, phong tỏa… bao trùm, rồi những người từng được thành phố cưu mang, nay lại muốn chối bỏ “mình là người Sài Gòn” chỉ vì sợ không được chấp nhận đến một thành phố khác... Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân của thành phố này cũng đau lòng lắm.

Thế nhưng, vẫn còn những hình ảnh đẹp đang lan tỏa và làm ấm lòng người, đó là những bác sỹ áo xanh, những chiến sỹ tình nguyện, những anh bộ đội nơi biên giới đang ngày đêm đứng chốt để ngăn chặn, kiểm soát dịch. Những lá thư viết vội gửi về nhà, những lời thăm hỏi, dặn dò vội vã dành cho con của các y bác sỹ. Chỉ nhìn thấy, nghe qua thôi cũng đủ khiến ta phải rơm rớm, ngậm ngùi. Rồi những hộp cơm còn đủ nóng kịp trao đến tận tay người nghèo, những người cơ nhỡ từ tấm lòng hảo tâm, dung dị, đúng chất người Sài Gòn.

Những ngày có dịch, người dân thành phố cũng không quên chiếc máy ATM gạo được nhân rộng khắp nơi, những siêu thị 0 đồng... là tấm lòng của các doanh nghiệp, doanh nhân - những người con của thành phố nghĩa tình này.

Cũng trong những ngày khó khăn, nhiều doanh nhân lại tỏ ra vững vàng kiên cường lắm. Họ động viên nhau: “Mình là đội ngũ chủ lực, là nòng cốt kinh tế thì phải cùng thành phố chung tay, tiếp tục sản xuất để bà con yên tâm “ở yên trong nhà”.

Để không đứt gãy nguồn thực phẩm thiết yếu cung cấp cho người dân, cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch, nhiều doanh nghiệp quyết không đóng cửa nhà máy, dù Covid-19 đã khiến nhân viên của họ trở thành F0. Nhiều công ty tổ chức cho nhân viên ăn, ở ngay trong nhà máy hoặc mua thiết bị xét nghiệm cho nhân viên... để tiếp tục sản xuất.

Có những doanh nghiệp gần như bị tê liệt vì du lịch đóng cửa và các nước đóng biên giới, nhưng vẫn xoay sở để sản xuất khẩu trang y tế và hàng chục tấn khẩu trang của họ đã đến tay người dân, được gửi đến những điểm nóng chống dịch, kể cả vươn ra thế giới làm nhiệm vụ quốc tế.

Gần hai năm chống chọi với đại dịch, nhiều doanh nghiệp khó khăn lắm, có những doanh nghiệp đang thoi thóp thở và chực chờ nguy cơ phá sản nhưng những ngày này, đi đến doanh nghiệp nào cũng thấy một tinh thần quyết tâm, cùng chung tay và không bỏ cuộc. Câu nói: “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” được xem như lời hiệu triệu, động viên tinh thần của hàng ngàn doanh nghiệp tại TP.HCM cứ thế lan đi, lan đi …

Cũng tinh thần đó mà cho dù sức chống chịu đang yếu dần, cùng bao nhiêu thứ còn phải gồng gánh, duy trì nhưng chỉ cần Chính phủ và thành phố kêu gọi đóng góp Quỹ Phòng chống dịch Covid-19, Quỹ vắc-xin... thì hàng trăm doanh nghiệp lại sẵn sàng tham gia và ghi tên đóng góp.

Tất cả sự quyết tâm, chia sẻ, hy sinh, đặt cộng đồng lên trên hết cùng những tấm lòng thơm thảo, tốt đẹp đó đã khiến trái tim và suy nghĩ của nhiều người phải tỉnh thức, kịp nhận ra giá trị của con người mà có lẽ, chỉ trong đại dịch này mới có dịp suy gẫm và nhìn thấy được.

Song, "giặc Covid-19" cũng “tàn ác” lắm, sự tinh quái, thách thức của nó đã len lỏi đến từng ngõ ngách, hơi thở trong không khí khiến cả thành phố, các doanh nhân dù quyết tâm đó, nỗ lực đó nhưng công cuộc phòng chống dịch đang trở nên khó kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Những cuộc chia tay lặng lẽ đầy nước mắt, bịn rịn giữa nhiều chủ doanh nghiệp với nhân viên đã diễn ra.

Tôi chưa từng làm doanh nghiệp nhưng tôi hiểu nỗi đau của các doanh nhân này. Hình ảnh ông chủ một công ty đứng chắp tay cúi đầu trước hàng ngàn nhân viên xin lỗi khi phải đóng cửa nhà máy cùng những giọt nước mắt của hàng trăm nhân viên khiến tôi và rất nhiều người khác nhìn thấy cũng phải xót xa, nao lòng.

Người ta nói: “Doanh nghiệp là gia đình, nhân viên là những đứa con”. Sẽ không có người cha, người mẹ nào lại không đau lòng khi phải bỏ cuộc để các con bơ vơ. Mà có phải một mình họ bơ vơ đâu, đằng sau đó còn có gia đình và rất nhiều người thân nữa.

Và trong đợt Covid-19 lần thứ tư này, tôi chắc sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nữa phải cúi đầu xin lỗi nhân viên. Và cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp còn lâu lắm mới có thể vực dậy được.

“Sáng nay, buổi sáng ngày đầu tiên giãn cách toàn thành phố, ngồi một mình trong căn phòng công ty rộng thênh thang nhưng không một bóng nhân viên, mọi thứ đều im ắng, bất động, kể cả cỗ máy sản xuất cũng nằm im dù ngoài kia trời vẫn nắng và mới chỉ 9 giờ sáng, lòng tôi không thể không đau. Một thành phố bị thương thì nhiều doanh nghiệp và nhiều người lao động cũng bị đau theo”, giám đốc một doanh nghiệp đã ngậm ngùi nói với tôi như thế.

Có doanh nhân lại gọi điện nói rằng: "Chưa bao giờ tôi khóc nhưng hôm nay đã khóc. Khóc vì người ta nói TP.HCM toang rồi. Thành phố không bị thương nữa mà bị trọng thương. Tôi ghét người ta nói như thế vì tôi yêu thành phố này lắm, vì tôi là người con sinh ra ở thành phố này và tôi không muốn thành phố của tôi như thế! Nhưng tôi cũng không thể chối bỏ những gì đang diễn ra”.

Dẫu là thế, dẫu còn nhiều nỗi lo và nỗi đau như nhiều doanh nhân đang chia sẻ. Dẫu cuộc chiến với "giặc Covid-19" còn nhiều thách thức chưa nói trước được, dẫu thành phố còn nhiều lắm sự tổn thất và mất mát nhưng cuộc chiến nào rồi cũng sẽ qua. Tổn thất nào rồi cũng sẽ được bù đắp vì ngày mai “Trời sẽ lại sáng”. Hãy tin vào cuộc chiến này. Vì chỉ có niềm tin mới giúp chúng ta có thêm động lực, vững tin và chiến thắng.