Hoa của đá

Lương Hằng - 11:18, 08/02/2022

TheLEADERLần nào cũng vậy, vội vã đến rồi lặng lẽ đi. Chỉ có tình yêu ở lại. Cứ nhìn những đứa trẻ hân hoan chơi cầu trượt trong ngày khánh thành ngôi trường mới, cảm xúc lại trào dâng và thầm hứa sẽ sớm quay trở lại.

Hoa của đá
Những đứa trẻ ở Mua Lải Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc

Đã 14 chuyến đi lên mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc nhưng chắc chắn vẫn chưa phải là chuyến đi cuối cùng. Mỗi lần trở lại, trong chúng tôi lại ngập tràn cảm xúc. Cảm xúc bồi hồi với những điều đã đi qua, cảm xúc hồi hộp với những điều sắp tới. Khi cái Tết sắp đến gần, trong lòng đầy xốn xang muốn tận hưởng vẹn nguyên cái không gian, cái nồng nàn của núi rừng, cái mùi ngai ngái của khói nương, của mèn mén, của mùi thịt hong gác bếp... nhất là hình ảnh những đứa trẻ trong mùa đông rét buốt, đã khiến chúng tôi quay trở lại.

Cõng chữ lên non

Năm 2014 là một năm đáng nhớ của chúng tôi. Chia sẻ với nhau suy nghĩ muốn làm một điều gì đó cho trẻ em vùng cao, chúng tôi quyết định lên đường ngay cho dù ngân quỹ lúc đó chưa có đồng nào. Một người trong nhóm xung phong ủng hộ 10 triệu đồng mở hàng lấy may.

Qua giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm đến một địa chỉ ở huyện Vân Hồ, Sơn La để khảo sát. Đường đi vào điểm trường khá gian nan gập ghềnh, đôi chỗ phải xuống hoa tiêu vì con đường chìm trong sương mịt mùng. Trước mắt chúng tôi ngôi trường hiện ra khang trang sạch đẹp, bản làng có vẻ sung túc. Lãnh đạo trường trình bày xin làm một bếp ăn cho các cháu, xin máy lọc nước và một chiếc giếng khoan, các hạng mục khác đầy đủ. 

Nhưng chủ trương của chúng tôi là giúp nơi nghèo khó nhất, lớp học chưa có mới là nơi tìm chọn. Trước khi ra về, một thầy còn nhắn nhủ khi nào bán xe ô tô thì gọi cho thầy. Chúng tôi nhìn nhau không nói nhưng đều ngầm hiểu đây không phải là nơi cần giúp! Và một đi không trở lại nữa…

Với niềm trăn trở, chúng tôi lại tiếp tục đi tìm điểm xây trường. Hà Giang - mảnh đất tận cùng cực Bắc, nơi núi chồng lên núi, người dân “sống trên đá, chết vùi trong đá”. 

Hoa của đá 1
Cảnh tượng chúng tôi bắt gặp ở đỉnh Pín Tủng khi lần đầu tiên đặt chân lên cao nguyên đá đã thôi thúc chúng tôi xây trường

Trải qua gần 500 cây số từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang rồi qua Quản Bạ, Yên Minh với hàng nghìn khúc cua tay áo thì đến trung tâm xã Phó Là. Chỉ tay lên ngọn núi cao chừng 1700 mét, anh Hồ Mí Dình, Phó chủ tịch xã người Mông nói: Trên đỉnh núi kia là xã Pín Tủng, nếu đi nhanh chỉ hết 45 phút, còn bình thường mất có 1 tiếng thôi. 

Cái sự hồn nhiên thật thà của anh không làm nhụt chí mà còn tiếp thêm hào hứng, thích thú cho những người leo núi lần đầu như chúng tôi. 

Và quả thật sau 1 tiếng đồng hồ vượt qua con đường mòn gồ ghề bám vào vách núi, trước mặt chúng tôi là xóm Pín Tủng nằm lọt vào thung lũng bốn bề là núi, ba mặt đều giáp biên và gần như bị cô lập với bên ngoài trên ngọn núi cao quanh năm mây phủ. 

Toàn bộ bà con Pín Tủng là người dân tộc Mông, rất ít người nói được tiếng phổ thông. Cuộc sống từ bao đời nay của người dân chỉ quanh quẩn với đá núi. Ông Giàng Chúa Páo, Trưởng thôn Pín Tủng cho biết: xóm có 26 hộ với 130 nhân khẩu, người già chỉ có 3 người, cao tuổi nhất là 72 và sống quần cư ở thung lũng nhỏ này.

Ở đầu xóm, 13 cháu tuổi mầm non đang được cô giáo Ma Thị Luyến luyện đọc trong lớp học mượn tạm của trụ sở thôn vì lớp của các em bằng tường trình mái đã sập, tường đất nứt nẻ có thể sập bất cứ lúc nào. Luyến được phân công lên Pín Tủng đã gần một năm, hàng ngày không quản đông mưa rét hay hè nắng rát, từ 6 giờ sáng cô trèo núi lên lớp, lúc này cũng đã gần 7 giờ, cô đi vận động từng cháu đến lớp. Hết buổi học thì trời đã nhá nhem tối, Luyến lại xuống núi trở về khu tập thể trường vì ở thôn không có chỗ lưu trú cho giáo viên. Luyến tâm sự: Có những hôm trời mưa to, đường núi dốc trơn, em trượt chân ngã lộn vài vòng, cả cặp lồng cơm văng ra và bữa trưa hôm đó em nhịn, tủi thân lắm nhưng em không nản vì nghĩ rằng trên núi kia, nếu em không lên thì ai sẽ dạy các cháu biết chữ biết đọc!

Để bố mẹ các cháu đồng ý cho con đến lớp lại cần một sự thuyết phục vô cùng kỳ công vì người Mông ở Pín Tủng không có nhu cầu cho con đi học, trẻ con ở nhà đứa lớn trông đứa bé, có đứa mới 4-5 tuổi đã đi bỏ ngô trên nương giúp gia đình. Trẻ đến lớp rồi nhưng lại không biết tiếng phổ thông, giáo viên mày mò học tiếng Mông để làm quen với chúng trước đã rồi dần dần dạy chúng mỗi ngày một chữ cái từ a, bờ, cờ...

Các thôn bản nằm rải rác trên núi cao

Rời Pín Tủng, chúng tôi đến xã Tả Phìn cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 7km. Nhưng để đến được điểm trường Sùa Lủng và Nhìa Lũng Phìn của xã phải mất 1 tiếng đi bằng xe máy, còn nếu ai không dám đi xe máy thì sẽ mất khoảng 2 tiếng đi bộ trên con đường rộng vừa đủ chiếc xe máy, lởm chởm, chỉ cần trượt một viên đá là cả xe và người rơi xuống vực sâu. Vậy mà các thầy cô hàng ngày vẫn miệt mài mang con chữ đến nơi đây. Cũng vì đường xá hiểm trở mà cuộc sống vật chất và tinh thần của các em thiếu thốn đủ bề từ cái ăn cái mặc đến sinh hoạt vui chơi.

Đưa chúng tôi đến điểm trường hôm ấy là cô Nguyễn Thị Hoa, 28 tuổi, quê Tuyên Quang. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang cô tình nguyện lên Hà Giang và được phân công về huyện Đồng Văn. 

Câu chuyện của Hoa làm chúng tôi chẳng kém phần nể phục. Cô lập gia đình được mấy tháng thì được luân chuyển vào điểm trường khó khăn. Trong thời gian mang bầu, cô không xin nhà trường cho được chuyển ra trường chính, vẫn tình nguyện hàng ngày phóng xe trên con đường đá gập ghềnh. Sinh con được 10 tháng, cô lại tiếp tục xung phong vào Nhìa Lũng Phìn thay cho các chị phải đi bộ vào trường vì sợ không dám đi xe máy trên mép núi. 

Ngồi sau xe máy của cô thì thấy đúng là không phải chỉ cô dũng cảm mà chúng tôi cũng liều. Cô phóng ầm ầm, đoạn đến gần trường hiểm trở quá, nam giới còn vứt xe lại để đi bộ mà cô vẫn tiếp tục hành trình. Hoa cho biết: Em phải mua chiếc xe máy này vừa đỡ tốn xăng vừa khỏe để leo núi, vài tháng phải thay xăm lốp là chuyện bình thường.

Các điểm trường thường được quây bằng gỗ hoặc hoặc nhờ trong ngôi nhà trình tường tối om

Những con đường thử thách lòng người

Đặc trưng của cao nguyên đá Đồng Văn là núi chồng núi, và người Mông thường chỉ sống trên đỉnh núi. Các điểm trường cũng vì thế không ở trên núi cao thì cũng ở thung lũng thăm thẳm, nên đi lại rất khó khăn. Những tưởng Pín Tủng, Vần Chải, Sà Lủng A… đã là nơi đi lại khó khăn lắm rồi. Ai dè, càng về sau, các điểm trường càng sâu hut hút. 

Điểm trường Xéo Hồ, đi từ phố cổ Đồng Văn qua đèo Mã Pì Lèng, qua thuỷ điện Nho Quế sang bờ bên kia, rồi lại bò trên cung đường đá lổn nhổn, ngoằn ngoèo hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác, men theo các cột mốc biên giới mới đến được trung tâm xã Sơn Vĩ. 

Đến nơi, để ô tô ở uỷ ban xã, rồi nhảy lên xe máy men theo đường mòn đá cũng lổn nhổn và trơn trượt để xuống gần đến mép sông Nho Quế. Nhưng gần đến nơi cũng đành bỏ lại xe máy mà leo bộ bằng “bốn chân”. 

Vừa tổ chức khánh thành điểm trường được ít phút chúng tôi lại hộc tốc phải chạy ra ngay vì cơn giông đen ùn ùn kéo về từ bên kia biên giới, theo các anh bộ đội biên phòng nếu không nhanh chúng tôi sẽ bị mắc kẹt lại. Hai người đã lạc lối chỉ vì chậm chân trong tích tắc, những hạt mưa nhỏ xóa tan dấu vết bánh xe, con đường trở nên trơn như tráng một lớp mỡ, điện thoại không còn chút sóng nào. Trời đã xẩm tối, lúc này hai người chỉ biết dừng lại tại chỗ chờ cơn mưa đi qua và chờ người quay trở lại tìm.

Nhưng đó cũng chưa phải là điểm trường vất vả nhất. Nằm giáp biên giới với Trung Quốc và trên ngọn núi cao 2000m so với mực nước biển, vẻ đẹp của thôn Mé Lầu A có thể lay động cảm xúc của bất cứ ai đặt chân đến nơi địa đầu cực Bắc. Hun hút dưới chân là dòng sông Nho Quế biếc xanh. Phía bên kia là đèo Mã Pí Lèng hiểm trở. Núi non trùng điệp tạo nên vực sâu thăm thẳm. 

Nhưng, phía sau vẻ thơ mộng ấy là những cuộc sống khắc khổ. Mé Lầu A có 57 hộ dân tộc Mông đều thuộc diện đặc biệt nghèo. Bà con chỉ quanh quẩn bên này núi vì mỗi lần muốn đi đâu đều phải vượt qua dòng Nho Quế bằng bè tre nứa ngập sâu vào nước và mái chèo là cành cây như muốn thử thách thêm lòng người. 

Bản có 40 cháu ở độ tuổi lớp mầm nhưng chỉ có 19 cháu đang đi học theo kiểu răng lược, số còn lại các cô đã động viên bố mẹ nhưng chưa thuyết phục được họ cho con đi học nên điểm trường mầm non này chỉ duy trì một lớp. Các cháu lớp mầm phải học nhờ địa điểm của lớp tiểu học đã xuống cấp trầm trọng, không ánh sáng, không bàn ghế... và cũng là chỗ ở của cô giáo cắm bản. 

Quê Cao Bằng, cô giáo Ngân đã cắm bản 9 năm, để lại 2 con cho ông bà ngoại. Cứ tháng một lần, chồng cô lại từ Cao Bằng sang thăm và tiếp tế gạo nước thức ăn cho vợ. Cô Ngân xung phong ở lại vì cô thành thạo tiếng Mông, bà con và học sinh yêu quý cô như một thành viên của bản. Ngân tươi rói tâm sự, em sẽ vẫn tiếp tục ở lại đây vài năm nữa.

Hoa của đá 6
Con đường đến trường

Vẻ đẹp của những tấm lòng

Câu chuyện làm trường tám năm qua còn rất nhiều kỷ niệm nhưng điều đọng lại và cho chúng tôi thấy cái lớn lao nhân cốt của những tấm lòng nhân ái thắp sáng niềm tin về tương lai, thấy những tấm lòng cao đẹp ở người cho đi và ở những người được nhận. 

Sự cho đi sẵn sàng đến mức, chỉ qua những tấm ảnh chúng tôi chụp qua khảo sát, mà họ trao gửi cho chúng tôi không đắn đo suy nghĩ, dù không biết trường có thật là được làm ở nơi đó không, dù không biết tiền có được sử dụng đúng mục đích hay không… 

Đó là nhà giáo ưu tú Lê Thị Thanh Thủy, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Còn nhớ ở điểm trường đầu tiên, vì không kịp phát động trong toàn trường, cá nhân chị ủng hộ trước để chúng tôi kịp làm điểm trường cho các cháu đón khai giảng. Từ điểm trường thứ 2, chị đã nhân rộng tình yêu thương tới tất cả tập thể giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường bằng phong trào ủng hộ thường niên, phối hợp cùng với nhóm làm từ đó cho đến nay mỗi năm 2 điểm trường… 

Đó là em Lương Tuấn Phương, chủ nhà hàng Avalon ở Hà Nội xung phong ủng hộ số tiền không nhỏ ngay từ điểm đầu tiên. Đó còn là doanh nhân Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng và khoáng sản Bình Dương, từ miền Nam xa xôi cũng sẵn sàng chung tay. Còn rất nhiều những tập thể và cá nhân các nhà hảo tâm khác.

Và một người vô cùng đặc biệt không thể không nhắc đến là anh Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Giáo dục huyện Đồng Văn phụ trách cấp Mầm non. Anh đã kề vài sát cánh cùng chúng tôi, điểm nào khó khăn nhất, khó đi nhất thì anh đưa chúng tôi đến. Nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của anh mà chúng tôi thực hiện thành công giấc mơ làm trường.

Khi thành quả nhìn thấy được, sờ thấy được, nhiều người những mong tìm hiểu xem động lực nào, niềm tin nào là cơ sở để những người thầm lặng đóng góp kia đã tự nguyện không chỉ một lần đồng hành cùng chúng tôi. Nhưng người hỏi hầu như không có câu trả lời bộc lộ được hết cội nguồn sâu xa của tấm lòng thiện nguyện.

Vượt qua trở ngại

14 điểm trường với 31 phòng học cho huyện Đồng Văn và Mèo Vạc được xây dựng trong tám năm qua nghĩa là cũng tương đương với con số khó khăn mà chúng tôi gặp phải khi thực hiện. Toàn là những cái khó điển hình ở rẻo cao, không cái khó nào giống cái khó nào để chúng tôi có cơ hội mà rút kinh nghiệm. Nhưng điều đó không làm các thành viên của nhóm “Chung tay vì trẻ em vùng cao” nản chí mà tình yêu mảnh đất cao nguyên đá lại càng đam mê cháy bỏng.

Tìm được điểm rồi, huy động được kinh phí nhưng việc triển khai theo phương án nhà xây hay vật liệu khác cũng là trăn trở lớn. Nếu dựng phòng học xây bằng gạch thì chỉ có cách chuyển kinh phí đến địa phương hoặc bộ đội biên phòng hoặc một tổ chức nào đó để họ đứng ra thi công toàn bộ, nhưng cách này nguồn đầu tư quá lớn. 

Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra hướng đi hợp lý, là dựng nhà bằng nguyên vật liệu nhẹ của Nhật, vừa đảm bảo về kinh phí, quản lý được nguồn vốn, vừa nhanh gọn tiện lợi, chắc chắn, bền đẹp. Sau mỗi chuyến khảo sát, chúng tôi thiết kế phần mặt bằng, thiết kế phần nhà, phối hợp với đơn vị thi công là Công ty TNHH Đầu tư Matec Vina. 

Mặt khác, để có trách nhiệm trong việc quản lý công trình sau này, chúng tôi yêu cầu địa phương đối ứng một phần nhỏ tiền móng và huy động bà con tham gia góp sức vận chuyển nguyên vật liệu vào điểm trường.

Nói là vậy nhưng khi triển khai thực tế, bản vẽ đã gửi lên nhưng cán bộ địa phương không đọc được để làm móng; bà con khi tham gia vận chuyển đòi 100.000 đồng/công mới làm trường cho con em mình đi học. Có những xã còn từ chối vì lý do nội bộ cán bộ xã lục đục, hiệu trưởng chờ luân chuyển không nhiệt tình. Những khó khăn như vậy thường xuyên phát sinh nhưng chúng tôi vượt qua tất cả vì mục tiêu con trẻ có trường mới, lớp đẹp, để các cháu bớt đi phần nào thiệt thòi.

Núi non mênh mông trùng điệp tưởng như có thể thoải mái xây dựng nhưng cho dù chỉ có đá và đá, không gian nào cũng có chủ. Muốn xây được trường phải tìm mua đất của dân, mà giá cũng đâu có rẻ. 

Còn nhớ, năm 2017 dựng điểm trường ở bản Mua Lài Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Mảnh đất (đá) được chọn đặt điểm trường là của Trưởng thôn Lư Vả Pó. Sau mấy lần vận động hiến đất cho xây dựng lớp học thì cuối cùng ông cũng đồng ý, nhưng “hồn nhiên” ra điều kiện: Phải tặng lại ông 1 con bò, 1 can rượu cùng 1 bữa nhậu. Hôm động thổ, ông làm một mâm mèn mén to và một con gà đen to, xôi ngũ sắc, rượu cùng vàng hương để cúng thổ địa rất chân thành… 

Ở điểm trường Mé Lầu A, chúng tôi phải hai lần thuyết phục Trưởng thôn Vừ Mí Chơ bán cho miếng đất 30 triệu đồng mới có đất để dựng lên điểm trường 2 phòng học khang trang.

Hoa của đá 5
Chăn ấm cho học sinh điểm trường Đậu Chua (xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn).

Một chuyện trắc trở khác ở điểm trường thôn Xéo Hồ thuộc xã biên giới Sơn Vĩ. Cả nhóm suýt phải đầu hàng vì chủ tịch xã đã luân chuyển xã khác nhưng lại giấu. Chúng tôi vẫn gửi tiền lên cho ông để san nền, mua xi măng, gạch, thuê nhân công và ông vẫn hứa đảm bảo mặt bằng để thi công. Nhưng đến ngày thợ lên mới vỡ ra là ông đã chuyển đi lâu rồi. Dở cười dở khóc vì không còn biết kết nối với ai để chỉ đạo công trình. 

Cuối cùng, chúng tôi gặp được đồng chí phó chủ tịch xã nói tiếng Kinh chưa sõi, khi trao đổi công việc cứ như kiểu “ông nói gà bà nói vịt”. Cái gì cũng bảo không làm được đâu, phải thuê bốc dỡ vật liệu từ xe tải xuống, rồi thuê chuyển vào trong bản. Khênh cái bể nước vào giữa đường vứt bỏ ở đấy, rồi lại đòi tiền tiếp. Đến khi bốc vật liệu xong, bắt đầu dựng nhà thì mới biết móng nhà làm thiếu mất 5 mét, trong khi chiều dài nhà là 4 phòng, mỗi phòng 5 mét. Lại phải tiếp tục chuyển tiền lên làm nốt móng. 

Đến khâu lát nền chúng tôi lại được biết: Chủ tịch cũ mua gạch lát thiếu, giờ phải đưa tiền mua bù! Lại lần nữa chuyển tiền lên. Đến đoạn lắp bàn ghế thì thợ gọi về mới biết bàn ghế bằng gỗ ép công nghiệp nhưng họ chuyển vào vứt giữa trời cả tuần mưa gió ngập nước, ngấm nước nở bung vỡ hết, nở hoa nấm.

Nhìn những tấm ảnh được gửi về từ vùng cao ghi lại hình ảnh những người thợ dầm mình trong nước, bám theo mảng bè đẩy vật liệu qua dòng Nho Quế, những bữa ăn chỉ có mấy cọng rau, vài ba con cá khô, mấy miếng tóp mỡ lềnh bềnh… trong căn bếp khói mù mịt nấu nhờ nhà dân khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Những tấm lòng hảo tâm đóng góp xây trường đã tuyệt vời, nhưng những người thợ không quản ngại vất vả khó khăn để mang đến mái ấm cho những em nhỏ vùng cao thật đáng ghi nhận.

Lần nào cũng vậy, chúng tôi vội vã đến rồi lặng lẽ đi. Chỉ có tình yêu ở lại. Cứ nhìn những đứa trẻ hân hoan chơi cầu trượt trong ngày khánh thành ngôi trường mới, cảm xúc lại trào dâng và thầm hứa sẽ sớm quay trở lại.

Mây trắng vẫn bồng bềnh nơi biên cương. 

Những hình ảnh không thể nào quên khi lần đầu đặt chân lên cao nguyên đá
Những hình ảnh không thể nào quên khi lần đầu đặt chân lên cao nguyên đá
Vận chuyển vật liệu qua sông Nho Quế để xây điểm trường Xéo Hồ
Vận chuyển vật liệu qua sông Nho Quế để xây điểm trường Xéo Hồ
Dân bản 'đối ứng' bằng công sức vận chuyển vật liệu, phá đá làm móng nhà
Dân bản 'đối ứng' bằng công sức vận chuyển vật liệu, phá đá làm móng nhà
Nhà được tiền chế bằng công nghệ Nhật ở Hà Nội trước khi vận chuyển lên Hà Giang bằng xe tải để lắp ghép
Nhà được tiền chế bằng công nghệ Nhật ở Hà Nội trước khi vận chuyển lên Hà Giang bằng xe tải để lắp ghép
Phòng học thoáng đãng, sạch sẽ
Phòng học thoáng đãng, sạch sẽ
Những điểm trường đầu tiên chỉ có nhà, những điểm xây sau này được trang bị thêm bàn ghế, bình nóng lạnh, bồn nước, cầu trượt...
Những điểm trường đầu tiên chỉ có nhà, những điểm xây sau này được trang bị thêm bàn ghế, bình nóng lạnh, bồn nước, cầu trượt...
Mây vờn núi ở điểm trường Lủng Chư, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc
Mây vờn núi ở điểm trường Lủng Chư, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc
Để đến được điểm trường Quả Lủng phải vượt qua những lối mòn lổn nhổn đá, chênh vênh ven sườn núi
Để đến được điểm trường Quả Lủng phải vượt qua những lối mòn lổn nhổn đá, chênh vênh ven sườn núi
Điểm trường Sà Lủng A (xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn) được dân bản gìn giữ như mới sau 5 năm khánh thành
Điểm trường Sà Lủng A (xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn) được dân bản gìn giữ như mới sau 5 năm khánh thành
Hoa của đá 17
Điểm trường mới nhất vừa được khánh thành trước Tết Nhâm Dần tại thôn Nhèo Lủng, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn