Hơn 4 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang lưu hành

Lan Anh - 10:40, 22/03/2019

TheLEADERTheo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 4 tỉ USD năm 2018, tăng 30% so với năm 2017.

Theo báo cáo “Giám sát Trái phiếu Châu Á” mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), năm 2018, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã tăng 9,3% tính theo giá trị đồng nội tệ, đạt khoảng 1.180.519 nghìn tỷ đồng (tương đương 51 tỷ USD).

Kết quả này nhờ chủ yếu vào mức tăng 29,4% của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tư nhân  trong năm ngoái. Cụ thể, quy mô trái phiếu doanh nghiệp đã tăng từ 76.759 tỷ đồng lên 99.328 tỷ đồng.

Tuy vậy, trái phiếu doanh nghiệp được theo dõi chỉ chiếm gần 10% tổng giá trị trái phiếu lưu hành tại Việt Nam. Trái phiếu doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu kho bạc nhà nước chiếm hơn 90% còn lại.

Năm ngoái các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam như Vingroup, Masan Group, Novaland đã phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn. Phần lớn các thương vụ này do CTCK thuộc ngân hàng Techcombank thực hiện.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng của Việt Nam cũng tăng huy động vốn qua hình thức trái phiếu nhằm đáp ứng các điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ huy động và cho vay.

Hơn 4 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang lưu hành
Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam đạt khoảng 51 tỷ USD

Quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam khá nhỏ so với các thị trường khu vực. Theo báo cáo của ADB, trong khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, quy mô trái phiếu bằng đồng nội tệ đã được lưu hành tính đến cuối 2018 khoảng 13 nghìn tỷ USD. Con số này cao hơn 2,4% so với thời điểm cuối tháng 9 năm 2018 và nhiều hơn 11,9% so với cuối năm 2017.

Báo cáo nhận định rằng tâm lý nhà đầu tư đối với các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Đông Á mới nổi đã được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại nhiều quan ngại về sự ổn định tài chính trong khu vực, bao gồm các xung đột thương mại đang diễn ra.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho rằng những nguy cơ đối với sự ổn định tài chính tại Đông Á mới nổi đã phần nào giảm bớt. Tuy vậy, một số yếu tố bất định vẫn còn, đáng chú ý là cuộc xung đột thương mại chưa được giải quyết giữa trung Quốc và Mỹ, việc nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) với nhiều hỗn loạn tiềm tàng, và sự giảm sút đà tăng trưởng toàn cầu.

“Sự gia tăng nhanh chóng nợ tư nhân trong thập niên vừa qua cũng có thể gây thiệt hại tới các nền kinh tế và sự ổn định tài chính trong khu vực”, ông Yasuyuki Sawada nhấn mạnh.

Báo cáo của ADB cũng lưu ý tiềm năng phát triển của các thị trường trái phiếu xanh mà tiền thu về được sử dụng cho các khoản tài trợ môi trường hoặc khí hậu. Trong giai đoạn 2016 - 2018, việc phát hành trái phiếu xanh của khu vực này chủ yếu bằng đồng Nhân dân tệ, chiếm tới 46%.

Theo báo cáo, nợ có xu hướng đắt hơn tại các thị trường dễ bị ảnh hưởng hơn bởi biến đổi khí hậu. Chi phí nợ cao hơn có nghĩa là các dự án để giảm thiểu tác động vật chất của biến đổi khí hậu cũng sẽ tốn kém hơn.