Indonesia liên tục nâng lãi suất, cứu nội tệ đang 'chìm'

Đỗ Dung - 15:28, 31/05/2018

TheLEADERĐồng Rupiah Indonesia đang ở mức mạnh nhất trong vòng bốn tuần qua sau khi ngân hàng trung ương nước này tiếp tục tăng lãi suất chỉ sau hai tuần.

Indonesia liên tục nâng lãi suất, cứu nội tệ đang 'chìm'
Chỉ trong vòng 2 tuần, lãi suất của Indonesia đã tăng 0,5%. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong một động thái được dự báo trước đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tăng lãi suất thêm 0,25%, một nỗ lực tiếp theo nhằm vực dậy đồng nội tệ. Một đợt tăng tương tự khác đã diễn ra trước đó vào ngày 17/5 nhưng hầu như không hiệu quả trong việc ngăn đồng Rupiah mất giá.

Rupiah là một trong những đồng tiền yếu nhất châu Á trong năm nay khi các nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Indonesia trong bối cảnh tăng lãi suất từ Mỹ.

Sáng nay, tỷ giá của Rupiah với đồng USD ở mức 13.940, mạnh nhất kể từ ngày 4/5. Bước đi của Ngân hàng Trung ương Indonesia được đánh giá là "hành động mang tính quyết định", theo ông Trịnh Nguyễn, chuyên gia kinh tế trưởng của Natixis tại các thị trường châu Á mới nổi.

Vào tuần trước, đồng tiền của Indonesia đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 31 tháng so với đồng USD do sự tăng giá trên quy mô rộng của đồng bạc xanh.

Theo Wall Street Journal, Rupiah đã mất giá khoảng 3% so với đồng USD kể từ đầu năm, bất chấp việc bơm hàng tỷ USD vào thị trường của ngân hàng trung ương.

Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia có mức vay ngoại tệ đứng hàng đầu khu vực khi hiện đang chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội. Đồng Rupiah yếu hơn đồng nghĩa với việc khoản vay trên sẽ trở nên đắt đỏ hơn và làm giảm triển vọng kinh tế của đất nước.

Theo số liệu từ ANZ, 38,4% dư nợ trái phiếu chính phủ của Indonesia hiện đang nằm trong tay khối ngoại vào cuối tháng 4. Các nhà đầu tư nước ngoài tại đây cũng đã bán ròng 4,5 tỷ USD giá trị cổ phiếu và trái phiếu Indonesia trong giai đoạn từ tháng 2 tới tháng 4 vừa qua.

Một số dự báo cho rằng sẽ không có thêm một đợt gia tăng lãi suất từ Ngân hàng Trung ương Indonesia từ giờ đến cuối năm khi nền kinh tế này đã trở nên vững vàng hơn so với thời điểm thoái vốn ồ ạt khỏi thị trường mới nổi hồi năm 2013.

Mặc dù vậy, quốc gia này lại đang vướng phải cả thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách. Điều này sẽ khiến Indonesia khó tránh khỏi những tác động tiêu cực từ những sức ép mới của thị trường.