Khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2020

Thùy Dương - 15:12, 21/01/2020

TheLEADERCác chuyên gia tài chính cho rằng ít có khả năng lãi suất sẽ giảm trong năm nay.

HSBC trong báo cáo “Vietnam at a glance” vừa qua đánh giá những yếu tố tích cực với nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hiện hữu trong năm 2020 và nhận định tăng trưởng GDP đạt mức 6,6% năm nay.

HSBC cho rằng Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giảm lãi suất 0,25% trong quý III tới.

Chia sẻ về dự báo này với TheLEADER, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, cho rằng động thái giảm lãi suất trên cần phải được tính toán thêm và khả năng xảy ra không cao lắm.

Lý do thứ nhất là xu thế chung trên thế giới đã giảm đà cắt giảm lã suất, không còn guồng hay mức độ mạnh mẽ như những năm trước đây bởi hiện nay, mức độ lãi suất trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về cơ bản đã đạt mức tương đối phù hợp.

Khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2020
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV.

Lý do thứ hai là lãi suất hiện nay không còn là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng vốn của Việt Nam.

“Lãi suất thực hiện nay sau khi đã loại trừ đi yếu tố lạm phát thì ở mức khoảng 4,8 - 5%/năm. Đây là mức trung bình cao so với khu vực và phù hợp với mức độ rủi ro của nền kinh tế”, ông Lực phân tích.

Vấn đề thứ ba là Việt Nam cần phải giữ mức lãi suất huy động đầu vào tương đối hấp dẫn để người dân có thể tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh có nhiều dòng vốn đầu tư khác ngày càng trở nên thu hút hơn.

Ví dụ như trong năm 2019, với nhiều bất ổn chính trị, người dân có thẻ xoay vốn sang đầu tư vào vàng hoặc những kênh khác.

“Nếu nền kinh tế thật sự khó khăn thì giảm lãi suất cũng là một trong nhiều phương án. Nhưng quan điểm của tôi cho rằng năm nay, Việt Nam cố gắng giữ mặt bằng lãi suất ổn định cũng là đã rất thuận lợi”, ông Lực chia sẻ.

Trong trường hợp giảm lãi suất, ông Lực cho rằng Việt Nam cần tính toán đến những tác động, ví dụ như lạm phát trong bối cảnh chỉ số này năm 2020 có nhiều rủi ro, thách thức hơn so với năm ngoái do địa chính trị bên ngoài.

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), lạm phát 2020 sẽ cao hơn mức của năm 2019, đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ cao hơn theo nguyên lý cơ bản.

Do vậy, triển vọng hạ lãi suất trong năm nay sẽ cực kỳ khó đối với lãi suất thực. Với lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành hạ về mặt chính sách.

“Tôi cho rằng việc tiếp cận tín dụng, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp sẽ đắt đỏ. Cố gắng giữ nguyên như năm nay thôi còn triển vọng hạ khó xảy ra”, ông Thế Anh đánh giá.

Nhận định về kinh tế Việt Nam 2020, ông Lực cho rằng có ba thách thức cần được lưu tâm giải quyết.

Thứ nhất, tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn đối với vấn đề thể chế và đây là vấn đề được nhận định còn nhiều dư địa để cải cách, đặc biệt cái thiện thể chế đối với kinh tế số, đối với các lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới.

“Chúng ta phải thúc đẩy nhanh hơn để tạo động lực phát triển mới”, ông Lực nhấn mạnh.

Thứ hai là giải ngân đầu tư công. Đây là điểm nghẽn đã thấy thời gian dài vừa qua và cần được thúc đẩy quyết liệt hơn nữa. Việc giải ngân đầu tư công được nhận định phải được triển khai nhanh hơn và hiệu quả hơn, tránh dồn dập vào thời điểm như lâu nay vẫn làm.

Thứ ba, tăng sức đề kháng của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều biến động. Ví dụ như mảng xuất nhập khẩu, Việt Nam cần phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp trong nước để có thể thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.