'Không bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm việc'

An Nhiên - 13:56, 05/12/2017

TheLEADERNghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành nêu rõ: "Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực”.

'Không bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm việc'


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

Nhằm tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; quy định chức trách của từng vị trí công tác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ; tăng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu tham nhũng.

Quy định và thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu các cơ quan tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ.

Kiên quyết thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đồng bộ với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có các chính sách tiền lương hợp lý để từng bước thực hiện chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu và có thu nhập khá trong xã hội....

Trước đó, ngày 29/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Tại đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng: “Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.

Theo Nghị quyết 39, mỗi năm cả nước phải tinh giản 70.000 người, thế nhưng sau 2 năm thực hiện thì thực tế lại tăng lên 96.000 người.

Bên cạnh đó, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương còn nhiều”.

Ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó. Đã thế, việc quy định “hàm” còn bị lạm dụng.

Có Bộ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có đơn vị còn có tới 19 hàm phó vụ trưởng".

Ông Phạm Minh Chính băn khoăn: “Đến nay chưa có ai được khen thưởng hay kỷ luật liên quan đến việc công tác tinh giảm biên chế”.