'Không có các bộ tiêu chuẩn, doanh nghiệp Việt sẽ phải tự bơi mà không biết bờ ở đâu'

Quỳnh Như - 10:50, 22/02/2019

TheLEADERMột trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp Việt không mặn mà thiết lập các bộ tiêu chuẩn là do việc thực hiện các tiêu chuẩn nhất là tiêu chuẩn quốc tế rất tốn kém và gian nan.

Thiết lập các bộ tiêu chuẩn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bối bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay. Trên thế giới, hiện có tới 1 triệu bộ tiêu chuẩn về các hạng mục: Tiêu chuẩn sản phẩm, sản xuất, vấn đề lao động, trách nghiệp xã hội, sự minh bạch…

Nếu không có bất cứ tiêu chuẩn nào, doanh nghiệp vẫn có thể bán được hàng ở thị trường trong nước nhưng chắc chắn rất khó ra thị trường quốc tế, nhất là ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà thực hiện bộ tiêu chuẩn là do việc làm các tiêu chuẩn nhất là tiêu chuẩn quốc tế rất tốn kém và gian nan. 

Chia sẻ về điều này tại tọa đàm “Vai trò tiêu chuẩn trong cạnh tranh của doanh nghiệp phi thực phẩm”, ông Nguyễn Mạnh Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina, chủ sở hữu thương hiệu NaMilux cho biết, mọi chuyện thật ra không khó khăn đến thế.

'Không có các bộ tiêu chuẩn, doanh nghiệp Việt sẽ phải tự bơi mà không biết bờ ở đâu'
ông Nguyễn Mạnh Dũng – CEO Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina

Thương hiệu NaMilux đang được xuất khẩu đi 15 nước cũng như sở hữu 12 tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả những tiêu chuẩn danh giá của các nước tiên tiến như JIA (Nhật Bản), SA (Mỹ), KGO (Hàn Quốc)…

Để không quá mệt mỏi, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm trước khi muốn làm tiêu chuẩn đi thị trường nào đó là cần tìm một người hướng dẫn, nhất là những đơn vị chưa từng làm các bộ tiêu chuẩn quốc tế bao giờ.

Trước khi làm tiêu chuẩn đi Nhật Bản, Vina đã tìm một đối tác ở Nhật Bản và chính đối tác này đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong quá trình làm tiêu chuẩn JIA. Nhờ thế, chỉ mất 3 năm để hoàn tất quá trình này”, ông Dũng nói.

Muốn đi vào thị trường Nhật Bản, nồng độ khí thải của bếp gas phải dưới 1.400ppm và để đo lường chính xác nồng độ khí thải cho các sản phẩm của mình NaMilux buộc phải mua máy đo. Song, không phải cứ mua máy đo là có thể xác định được chính xác nồng độ khí thải mà phải học công thức tính và cách điều chỉnh khi nồng độ của sản phẩm cao hoặc thấp hơn 1.400pmm.

Mặt khác, trước khi đi đăng ký bất cứ tiêu chuẩn gì, doanh nghiệp cần tự đánh giá, xem bản thân đã đạt các điều kiện của bộ tiêu chuẩn đó hay chưa. Sau khi thành công, vẫn phải liên tục bám sát các bộ tiêu chuẩn quốc tế, vì các tiêu chuẩn không đứng yên một chỗ mà thay đổi qua từng năm và tùy tình hình từng thị trường.

Cũng theo ông Dũng, dù được khách hàng ở nhiều quốc gia ưa chuộng nhưng sản phẩm NaMilux vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam. Khi đi ra thế giới với luật lệ và tiêu chuẩn rõ ràng, nếu NaMilux không đạt được thì phải đi về. Ngược lại, ở trong nước, sản phẩm của một doanh nghiệp tốt hay xấu, đúng hay sai lại phụ thuộc nhiều vào sự quý mến của người tiêu dùng với thương hiệu.

Nguyên do, hiện tại ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất bếp gas vẫn chưa xây dựng bộ tiêu chuẩn cho riêng mình hoặc nếu có thì cũng theo kiểu sơ xài, đối phó. Các tiêu chí trong nước không giúp được người tiêu dùng lựa chọn cũng như phân biệt được sản phẩm tốt/không tốt. Thậm chí, nhiều công ty còn không dám cam kết, bảo đảm tính năng cơ bản cho sản phẩm của mình.

Thị trường bếp gas Việt Nam đang như một trận đá bóng không có luật lệ, thế nên nhiều cầu thủ tìm cách lạng lách và cả chơi xấu, miễn sao hiệu quả. 

Muốn cải thiện thực trạng nói trên, bắt buộc phải có sự tham gia của Nhà nước. Nhà nước cần đứng ra xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng cho ngành bếp gas và các ngành nghề khác, tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới và yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong ngành phải áp dụng. Nếu không, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tiếp tục tự bơi mà không biết bến bờ nằm ở phương trời nào”, CEO NaMilux kết luận.

Trước kiến nghị của lãnh đạo NaMilux, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Tổng cục ĐLCL) lại cho rằng, đề xuất này chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện tại.

Mức độ bộ tiêu chuẩn như thế nào là phù hợp với các doanh nghiệp Việt?
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Theo ông Linh, Việt Nam là một nước đang trong quá trình phát triển nên không thể so sánh ngang bằng với nhiều nước khác, muốn đi đến được viễn cảnh mà CEO NaMilux mơ ước, cần có các lộ trình và nhiều sự đột phá thông qua các chương trình đổi mới sáng tạo. Còn trước mắt, nên khuyến khích các doanh nghiệp bắt đầu làm bộ tiêu chuẩn sơ khai cho riêng mình, sau đó áp dụng bộ tiêu chuẩn về bếp gas của TCVN.

Với việc thiết lập các bộ tiêu chuẩn, Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hành trình này”, ông Linh nói.

Theo đó, Tổng cục ĐLCL khuyến khích NaMilux tham gia với họ để cùng nhau xây dựng bộ tiêu chuẩn về bếp gas riêng cho Việt Nam. Nếu làm tốt, bộ tiêu chuẩn của Việt Nam có thể còn thân thiện và khiến người tiêu dùng hài lòng hơn cả bộ tiêu chuẩn của Nhật hay quốc gia khác. Khi đó, ngành bếp gas Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn với sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, ông Linh cũng đánh giá cao đề xuất của CEO NaMilux về vấn đề: Nhà nước sẽ đưa ra chủ trương, các hiệp hội về tiêu chuẩn sẽ hình thành và chịu sự giám sát của Nhà nước; các hiệp hội không cần nhà nước hỗ trợ kinh phí mà sẽ do doanh nghiệp tự đóng góp; hiệp hội giám sát các doanh nghiệp đi đúng hướng. 

Mô hình kể trên đã xuất hiện ở nhiều nước và khá thành công, khi người tiêu dùng chỉ tin vào hiệp hội chứ không tin vào các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mô hình này đang manh nha hình thành với sự xuất hiện của bộ tiêu chuẩn Local G.A.P do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng.