'Không loại trừ khả năng quy hoạch bị điều chỉnh do sức ép nào đó'

Thu Phương - 08:49, 05/06/2019

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, mặc dù bộ chưa có thông tin đầy đủ về các trường hợp quy hoạch dự án bị điều chỉnh do tác động chủ đầu tư, song cũng không thể loại trừ trường hợp này.

'Không loại trừ khả năng quy hoạch bị điều chỉnh do sức ép nào đó'
Khu đô thị Linh đàm bị quá tải do mặt độ xây dựng quá lớn. Ảnh: Forty Media

Trước nhiều ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, quy hoạch chi tiết tại một số khu đô thị, chung cư bị điều chỉnh nhiều lần gây phá nát quy hoạch, thậm chí còn có nghi vấn nhiều chủ đầu tư chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo ý của mình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định: "Không loại trừ khả năng quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó".

Theo ông Hà, hiện bộ chưa có thông tin đầy đủ về các trường hợp quy hoạch dự án bị điều chỉnh do "tác động" chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án, cũng có thể có tác động của chủ đầu tư ở giai đoạn nhất định, bằng biện pháp nhất định.

Song ông Hà cho rằng, việc thay đổi quy hoạch theo "áp lực" yêu cầu của doanh nghiệp có hai hướng. Thứ nhất là các doanh nghiệp thay đổi quy hoạch để phù hợp hơn với thực trạng tại dự án, phục vụ sự phát triển của địa phương. 

Thứ hai là nhóm các doanh nghiệp cố tình lợi dụng việc thay đổi quy hoạch để thu lợi nhuận, Bộ Xây dựng sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi này.

Để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới, ông Hà nhấn mạnh, bộ sẽ kiểm soát chặt hơn việc điều chỉnh quy hoạch. Trong năm 2019 và 2020, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra quy hoạch chi tiết một số khu đô thị lớn, giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Ông Hà cũng thừa nhận hiện quy hoạch nhà và hạ tầng ở các khu đô thị chưa đồng bộ, trong khi pháp luật quy định rõ các loại quy hoạch này phải lập đồng bộ, thống nhất với nhau. "Bộ sẽ cùng địa phương kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để quy hoạch nhanh hơn", ông Hà nói.

Trước đó, theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị từ năm 2013 - 2018 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần.

Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại làm tăng mật độ dân số, gây hệ luỵ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Vi phạm trật tự xây dựng đã giảm song vẫn còn ở mức cao

Trước thực trạng vi phạm quy hoạch diễn ra tại nhiều đô thị, ông Hà cho biết, trong những năm qua quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã diễn ra nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên việc phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế do yếu kém về chất lượng quy hoạch còn thấp, một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển dẫn đến tính toán sai các chỉ tiêu hạ tầng, cấu trúc đô thị.

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức xây dựng có những điểm lạc hậu. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế. Dẫn đến tình trạng xây dựng nhiều nhà cao tầng nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm hạ tầng.

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong tham mưu, hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản pháp luật chưa kịp thời, chưa thực sự phối hợp quản lý, đôn đốc các địa phương; chậm thực hiện, một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả một số nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao; còn bộ phận cán bộ chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân.

Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, ông Hà cho biết, thời gian qua, vi phạm về xây dựng xây dựng không phép, sai phép đã giảm dần, từ hơn 15.000 công trình vi phạm năm 2016 xuống còn 10.000 công trình vi phạm năm 2018, song vẫn còn ở mức cao. Đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong xây dựng làm nhân dân và cử tri bức xúc.

Nguyên nhân là do quy định pháp luật còn thiếu, phức tạp, khó thực hiện. Vi phạm xảy ra chậm được xử lý, xử lý chưa kiên quyết dẫn đến "nhờn luật". Nhiều nơi công tác quản lý xây dựng chưa được quan tâm sâu sát. Ý thức trách nhiệm của người dân chưa tốt, nhiều trường hợp được phát hiện nhắc nhở vẫn vi phạm.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa quan tâm đúng mức tới quản lý trật tự xây dựng. Thanh tra xây dựng còn mỏng, một bộ phận cán bộ thanh tra chưa đáp ứng nhu cầu. Tại một số địa phương quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chậm, chưa được quan tâm đúng mức, làm ảnh hưởng tới quản lý trật tự xây dựng.

"Ý thức chấp hành của doanh nghiệp, người dân chưa tốt, nhiều trường hợp bị phát hiện, nhưng vẫn cố tình vi phạm", ông Hà Nói.

Về giải pháp, theo bộ trưởng, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thiện thể chế, kiện toàn tổ chức quản lý đô thị để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất mô hình tổ chức thanh tra xây dựng đô thị phù hợp hơn. 

Cụ thể, Thủ tướng đã đồng ý thực hiện thí điểm mô hình đội quản lý trật tự xây dựng cấp phường để gắn chặt hơn với chính quyền. Sau khi thí điểm ở Hà Nội và TP. HCM, Bộ Xây dựng sẽ đánh giá, tổng kết và có đề xuất nhân rộng.