Kinh doanh nhà hàng, ăn uống chờ thời

Việt Hưng - 19:41, 17/05/2022

TheLEADERDù chưa tính chuyện mở rộng quy mô trong ngắn hạn và vẫn đang chờ "thời", nhưng các doanh nghiệp F&B Việt Nam đang có nhiều toan tính trong bối cảnh thị trường hồi phục.

Được biết đến là một trong những thương hiệu pizza thành công nhất tại Việt Nam, với 25 cửa hàng chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Nha Trang, tuy nhiên chuỗi Pizza 4P's cũng không tránh được tình trạng lợi nhuận âm trong 2 năm liên tiếp.

Golden Gate sở hữu tới 30 thương hiệu với khoảng 400 nhà hàng trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm, cũng lần đầu tiên báo lỗ trong năm 2021 khi doanh thu sụt giảm tới 27%.

Tình trạng chung mà các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng hàng, ăn uống gặp phải đó là đóng cửa thời gian dài do dịch bệnh Covid-19. Sau thời gian giãn cách lại tiếp tục gặp khó trong việc duy trì hiệu quả hoạt động.

Sau hai năm Covid-19 phủ bóng đen u ám, câu hỏi về khi nào nền kinh tế sẽ hồi phục vẫn còn đang bỏ ngỏ. Những ngành mũi nhọn như F&B tiếp tục trượt dốc chưa có hồi kết, đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề qua 3 đợt dịch bùng lên.

Dự báo năm 2022, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi nhờ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng bởi việc thích ứng an toàn với dịch bệnh sẽ thúc đẩy nhu cầu tại nội địa sẽ tăng trở lại.

Công ty Deloitte đã thực hiện một cuộc khảo sát về kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kết quả, 84% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Kinh doanh ngành nhà hàng, ăn uống chờ thời
Mặt hàng tươi sống lên ngôi trong đại dịch Covid-19

Thực tế, từ cuối năm 2021, nhờ độ phủ vaccine Covid-19 và nhiều chính sách kích cầu đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, tập trung vào hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh. Đây là động lực chính thúc đẩy ngành F&B phục hồi.

Còn theo thống kê được đưa ra bởi Gojek tại TP. HCM và Hà Nội, doanh nghiệp F&B đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong xu hướng người dân sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng khi lượng đơn hàng đặt qua GoFood trong quý 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Riêng tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng lên tới 220%.

Đáng chú ý, tần suất đặt món trực tuyến tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong số hàng triệu người dùng Gojek, trung bình mỗi khách hàng cứ 5 ngày lại đặt một đơn đồ ăn GoFood trong 3 tháng đầu năm nay.

Số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 cũng phần nào phản ánh xu hướng này, khi mức tăng trưởng đạt gần 40% so với cùng kỳ quý 1/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý 4/2021.

Một số tổ chức quốc tế và trong nước cũng dự báo, ngành F&B có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Dù chưa tính chuyện mở rộng quy mô trong ngắn hạn và vẫn đang chờ "thời", nhưng các doanh nghiệp F&B Việt Nam đang có nhiều toan tính trong bối cảnh thị trường hồi phục.

Kinh doanh ngành nhà hàng, ăn uống chờ thời 1
Tập đoàn Novaland tiến vào thị trường F&B

Từ cuối năm 2020, Tập đoàn Novaland công bố Nova F&B chuyên quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B. Không chỉ bước chân vào lĩnh vực mới giữa đại dịch, Nova F&B còn đặt mục tiêu phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm với hệ thống trăm chuỗi nhà hàng, cà phê, bar, club...

Quy mô các thương hiệu do Nova F&B quản lý gồm: Jumbo Seafood, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House, Hongkong Dimsum & Hotpot, Au Lac Do Brazil, Marina Club, Embassy Lounge, Number 1 Beach Club, Food Train Restaurant, Grand Lounge.

Riêng ở mảng cà phê, các thương hiệu do đơn vị này quản lý có Saigon Casa cafe, Gloria Jean’s Coffees, Mojo Coffee, Cà phê Cô Ba, Phindeli Café... 

2020 cũng đánh dấu cột mốc lấn sân đầu tư sang mảng F&B của Tập đoàn bán lẻ Central Group, sau khi hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đưa thương hiệu cà phê Café Amazon nổi tiếng nhất xứ chùa vàng về Việt Nam.

Cuối năm 2021, chuỗi cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bán kem cùng các loại nước giải khát mang thương hiệu Chuk Chuk thuộc Tập đoàn Kido cũng ra mắt tại TP. HCM và đang chuẩn bị Bắc tiến trong thời gian tới.

Hay như một startup từng gọi vốn thành công trên Shark Tank Việt Nam là Vua Cua đang đẩy mạnh phát triển hệ thống nhượng quyền Vua Cua Bike, Vua Cua Express với mục tiêu đạt tổng từ 30-50 cửa hàng trong năm 2022.

Chuỗi này dự kiến sẽ đạt đến 100 cửa hàng vào năm 2023. Bên cạnh đó, Vua Cua còn hợp tác với công ty Uplyft Holdings để mở rộng phân phối sản phẩm tại thị trường Mỹ.