Kinh tế thế giới 2021 nhiều rủi ro và bất ổn

Phương Linh - 07:54, 06/02/2021

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro và bất ổn gia tăng.

Kinh tế thế giới 2021 nhiều rủi ro và bất ổn
Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm trong năm 2021

Dịch bệnh Covid-19 được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là thách thức chưa từng có đối với kinh tế thế giới. Theo ông Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, điểm nhấn nổi bật, chi phối  kinh tế toàn cầu năm 2020 chính là đại dịch Covid-19. 

Đại dịch này đã làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế thế giới gắn với các biện pháp phong tỏa, đóng cửa và giãn cách xã hội, gây ra tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và dư thừa công suất sử dụng máy móc thiết bị, làm giảm sút cả về tổng cung, tổng cầu, đầu tư và thu nhập của cả nhà nước và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Trí cũng cho rằng, dịch bệnh làm tăng thêm nạn thất nghiệp và đổ vỡ các hợp đồng kinh tế, làm gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính, tiền tệ thông qua sự bùng nổ các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD và cắt giảm lãi suất tiền tệ, kéo theo đó là nguy cơ giảm giá các đồng tiền và gia tăng sức ép nợ công và lạm phát tiền tệ trên phạm vi toàn cầu.

Làn sóng vỡ nợ tiêu dùng đang bắt đầu bị kích hoạt trên phạm vi toàn thế giới do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán đang tăng nhanh tại một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng mạnh. 

Nợ công và thâm hụt ngân sách của các quốc gia cũng có thể tăng trong thời gian tới do các gói nới lỏng tài khoá và tiền tệ cứu trợ nền kinh tế.

Tất cả các yếu tố đó cộng hưởng đã tạo nên hậu quả vô cùng nặng nề cho nền kinh tế. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua do các hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột. Doanh nghiệp và người lao động trên toàn thế giới đều lâm vào tình trạng khó khăn.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, nhiều nước đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng khá nhưng vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. 

Dẫn báo cáo đánh giá kinh tế của OECD, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi ở mức 5% vào năm 2021.

Theo ông Thắng, kinh tế thế giới thời gian tới có thể tăng trưởng vừa phải nhưng còn nhiều bất định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, khả năng khống chế dịch Covid-19, khả năng triển khai hiệu quả các biện pháp điều trị và phòng bệnh bằng vacxin và hiệu quả của các chính sách tài khóa, tiền tệ trong việc thúc đẩy nhu cầu của nền kinh tế được cho là những "chìa khoá" chính của tăng trưởng.

Các dự báo cho thấy, sẽ mất ít nhất một năm trước khi vacxin phòng Covid-19 được triển khai rộng rãi để kinh tế phục hồi. Do vậy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực.

Các nền kinh tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể hồi phục theo hình chữ L vào năm 2021. Kinh tế hồi phục chậm sau giai đoạn sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, những quy định nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 có thể làm chệch hướng phục hồi của khu vực này. Kinh tế Châu Á Thái Bình dương được dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 sau khi suy giảm 0,7% trong năm 2020. 

Đối với thị trường lao động, trong dài hạn, việc làm giảm sút do đại dịch Covid-19 có thể khiến nhiều người bị loại bỏ khỏi thị trường lao động, đồng thời làm chậm quá trình phục hồi việc làm và gia tăng bất bình đẳng ở các nền kinh tế.

Trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, triển vọng kinh tế của Trung Quốc và Mỹ được dự báo sẽ tích cực hơn. Trung Quốc là quốc gia G20 duy nhất dự báo đạt tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020 và tăng trưởng cao trong năm 2021 nhờ khả năng kiểm soát dịch nhanh hơn và triển khai hiệu quả các chính sách phục hồi kinh tế. 

Trước đó, các báo cáo của OECD và ADB đều nâng dự báo đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 1,8% vào năm 2020 và 8% trong năm 2021, cao hơn so với các dự báo trước đây.

Đối với kinh tế Mỹ, sau khi suy giảm trong năm 2020, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng khá ở mức 4% trong năm 2021. Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng, triển vọng kinh tế Mỹ có thể phục thuộc khá nhiều vào những khó khăn đặt ra trong năm 2021 như giải quyết khối nợ chính phủ đang tăng cao do Covid-19 gây ra và thâm hụt ngân sách đang lên tới 16%, cao nhất kể từ năm 1945.

Trong khi đó, triển vọng khu vực EU và các nền kinh tế đang nổi kém tích cực hơn. Triển vọng phục hồi của EU bị lung lay khi nhiều chính phủ thông báo lệnh phong toả mới, hoặc giảm tốc độ mở cửa lại nền kinh tế do số ca lây nhiễm tăng mạnh.

Các nền kinh tế đang nổi như Argentina, Ấn Độ, Mexico, Nam Phi sẽ có sự sụt giảm kinh tế lớn do mức độ lây lan của Covid-19 nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mức độ nghèo đói của Châu Phi cũng sẽ tăng lên.