Làm sao để bà con sống được với nghề nông

Phạm Sơn - 22:39, 26/12/2021

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cần có một cuộc cách mạng về tư duy, về tổ chức sản xuất trong ngành nông nghiệp để tạo nền tảng cho những sự thay đổi khác như quy trình sản xuất, khoa học công nghệ.

Làm sao để bà con sống được với nghề nông
Nông dân bỏ ruộng, bỏ nghề một phần do ngành nông nghiệp chưa xác định được giá trị bền vững, lâu dài.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bức thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam đã khẳng định “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Qua hàng chục năm, trải qua biết bao biến chuyển, tư tưởng đó vẫn vô cùng đúng đắn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, GDP quý III suy giảm nhưng nông nghiệp vẫn tăng trưởng, vẫn thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, làm nông để làm giàu vẫn là câu chuyện quá đỗi xa vời với nhiều bà con nông dân, nhất là trong bối cảnh biến động lớn như hiện nay. Không chỉ “trông trời, trông nước, trông mây” như xưa, bà con còn phải trông cả vào những hiện tượng bất thường do biến đổi khí hậu, sự thay đổi của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Đây cũng chính là “3 cái biến” ngành nông nghiệp đang phải đối diện, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nói nhiều lần.

Làm nông nghiệp chẳng thể giàu lên, thậm chí còn phải lo nghĩ từng bữa ăn, nhiều nông hộ quyết định bán ruộng, bán đất, bỏ nghề nông để tìm kế sinh nhai khác. Gần đây nhất là hiện tượng bà con vùng Bảo Lộc bỏ trồng chè, bán đất cho các dự án bất động sản.

Nói về hiện tượng này, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có 2 nguyên nhân chính. Trong đó nguyên nhân đầu tiên là sự thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế, vốn mang tính tất yếu, lao động nông nghiệp, quỹ đất nông nghiệp một phần chuyển đổi sang công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, nguyên nhân thứ hai cũng chính là sự thiếu sót của ngành nông nghiệp, đó là ngành nông nghiệp không định vị được giá trị, không thể chứng minh cho người nông dân thấy những giá trị lâu dài, bền vững của ngành nông nghiệp, không thể làm bà con tin rằng mình sống được với nghề nông.

Khúc mắc này nằm ở chính tư duy sản lượng trong ngành nông nghiệp, tức là tư duy chỉ chăm chú xem trồng được bao nhiêu, thu hoạch được bao nhiêu, chưa quan tâm tới những giá trị khác mà nông nghiệp có thể đem lại như du lịch nông nghiệp, sinh thái nông nghiệp, văn hóa nông nghiệp hay chính những giá trị gia tăng trong nông sản nếu được canh tác, sản xuất một cách bài bản.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường đại học Nam Cần Thơ cũng nhận định, tư duy sản lượng là “chiếc vòng kim cô” trói chân bà con nông dân, có thể thấy rõ qua quan điểm sai lầm ở nhiều năm trước khi quá coi trọng lúa gạo, tìm mọi cách giữ sản lượng lúa gạo, khiến bà con nông dân điêu đứng vì hạn mặn, vì nước ngập.

Cách mạng cho ngành nông nghiệp

Nông nghiệp ở vựa lúa lớn nhất cả nước là đồng bằng sông Cửu Long đã có những biến chuyển tích cực từ khi Nghị quyết 120 được ban hành. Bà con nông dân được cởi cái “vòng kim cô” về việc duy trì sản lượng lúa, chuyển sang phát triển đa dạng các mô hình khác như trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, nuôi thủy sản, vừa tận dụng nước ngập mặn, vừa cho đất trồng lúa có thời gian phục hồi.

Đánh giá cao sự chuyển đổi này, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, quá trình chuyển đổi vẫn diễn ra rất tự phát, chưa có bài bản, có kế hoạch hay có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng.

Quá trình chuyển đổi như vậy, dù là những tín hiệu tích cực nhưng vẫn bao hàm nhiều rủi ro và có thể chỉ là “chuyển rủi ro từ lúa gạo sang các nông sản khác”. Bà con nông dân hào hứng với cây ăn quả, cây công nghiệp mới nhưng rất có thể chỉ 3 – 4 năm tới, những cây đó không thể tạo ra giá trị cao như hiện nay do thổ nhưỡng mất màu mỡ, do không có công nghệ chế biến.

Nhắc lại “lời nguyền” của ngành nông nghiệp Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, cần có một cuộc cách mạng cho ngành nông nghiệp. Cuộc cách mạng này chưa phải là cách mạng về áp dụng khoa học công nghệ làm tăng sản lượng, năng suất mà là cách mạng về tư duy, về tổ chức sản xuất.

“Nếu bà con vẫn tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy sản lượng, nông nghiệp sẽ chỉ dậm chân tại chỗ”, ông Hoan nhấn mạnh. Từ chính cuộc cách mạng này, việc áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới đạt được hiệu quả.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng, ông Xuân nhận xét, cuộc cách mạng này cần tập trung vào hợp tác xã nông nghiệp, là mô hình hiệu quả để liên kết các nông hộ lại với nhau, thay vì để xảy ra hiện tượng “hàng triệu nông hộ mạnh ai nấy làm”.

Hợp tác xã cũng là công cụ quan trọng để Nhà nước hỗ trợ bà con, định hướng trồng cây gì, nuôi con gì, đầu tư cho nông nghiệp cũng như gửi tín hiệu thị trường tới người nông dân.

Song hành với sự phát triển hợp tác xã, cần phải có sự hỗ trợ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, làm sao để xác định được nhu cầu của thị trường, cả về số lượng lẫn chất lượng. Điều này phải có sự vào cuộc từ Nhà nước, từ các thương vụ ở nước ngoài cũng như các doanh nghiệp “có tâm, có tài”.

“Đầu ra bị bí thì một là bà con nông dân “kêu” để Nhà nước và các tổ chức lại đi giải cứu, hai là chặt bỏ cây, bán đất, bỏ nghề nông nghiệp”, ông Xuân cho biết.