Làm sao để giữ được trái tim nhân viên?

Quỳnh Như - 07:19, 27/01/2018

TheLEADERGiữ trái tim nhân sự là công việc khó khăn cần sự vào cuộc của các bộ phận trong công ty. Có được trái tim của nhân viên, tức chúng ta có năng suất lao động cao và lòng trung thành tuyệt đối.

Làm sao để giữ được trái tim nhân viên?
Nhân sự sẽ không bị "Zombie hóa" nếu bộ phận HR thực hiện việc gắn kết hằng ngày. Ảnh minh họa Anphabe.

Theo khảo sát của công ty chuyên về nhân sự Anphabe vào tháng 10/2017, tại Việt Nam, 39% người đi làm cảm thấy không gắn kết với công việc – công ty, nhưng tới 67% trong số đó cho biết vẫn sẽ tiếp tục ở lại làm việc. Số ngày làm việc không hiệu quả chiếm 57,5 ngày/năm, tức là gần 2 tháng/12 tháng.

Một thống kê khác của SHRM, tổ chức nhân sự lớn nhất thế giới với 285.000 thành viên, giữ được sự gắn kết cao của nhân viên là thách thức lớn nhất (tỉ lệ 38%) mà người làm nhân sự (Human Resources - HR) thời nay phải đối mặt. 

Đồng quan điểm với HR, giới lãnh đạo cũng cho rằng, giữ được trái tim của nhân viên là việc mà họ thấy khó khăn nhất trong công tác quản trị hiện nay với tỉ lệ khảo sát 28%.

"Ngày nay, ngành nhân sự không đơn giản chỉ là chuyện tính lương thưởng hay tuyển người. Ngoài tuyển được người giỏi, còn phải tuyển người phù hợp với văn hóa – chiến lược của công ty. Quan trọng nhất, phải giữ được nhân sự giỏi trước những cám dỗ đầy rẫy ở ngoài kia", ông Hà Minh Giang, cố vấn của Ernst & Young Vietnam, nhận xét trong Hội thảo "Làm sao giữ được trái tim nhân sự" vừa được tổ chức tại TP. HCM.

Làm sao để giữ được trái tim nhân sự?
Bà Nguyễn Phương Mai.

Về đề tài này, nhiều ý kiến của các quản lý nhân sự đã đưa ra trong hội thảo. Có người cho rằng, việc đầu tiên mà các HR nên làm chính là khảo sát nhu cầu của nhân viên.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc nhân sự của Robert Bosch Engineering Vietnam – công ty có gần 2.000 nhân viên cho biết: "Ai cũng biết công tác gắn kết quan trọng như thế nào. Tuy nhiên, không phải người làm nhân sự nào cũng biết, cụ thể phải làm những gì để có thể gắn kết nhân viên với công ty và đồng nghiệp. Có được trái tim của nhân viên, tức chúng ta có năng suất lao động cao và lòng trung thành tuyệt đối".

Bất cứ hoạt động nào bộ phận HR đề ra, đều phải dựa trên nhu cầu và mong muốn thật sự của số đông nhân viên. Đầu mối quan trọng chính là các quản lý trực tiếp của các nhân viên/công nhân. 

Hiện nay, người làm nhân sự không nên ngồi mãi trong tháp ngà, phải ra bên ngoài, tìm hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người lao động, cả sếp lẫn nhân viên.

Một quản lý nhân sự khác bổ sung: Muốn giữ được trái tim của nhân viên, chúng ta không phải lâu lâu mới gắn kết, mà phải làm điều đó hằng ngày. 

Có ba kiểu gắn kết chính: Giữa nhân viên - sếp, giữa nhân viên - nhân viên và giữa nhân viên - công ty. Ngoài ra, câu chuyện gắn kết không chỉ là việc của phòng nhân sự, mà còn của từng bộ phận, lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp.

"Với một nhân viên trẻ thích thể hiện, họ rất hài lòng với quà tặng iPhone X. Nhưng với một nhân viên lớn tuổi có gia đình, họ sẽ thích một chuyến du lịch ngắn ngày cùng gia đình hơn. Thậm chí, nếu giá trị của chuyến du lịch không bằng iPhone X, họ cũng không so đo. Cách biếu tặng quan trọng hơn giá trị thứ biếu tặng là thế", ông Hà Minh Giang nói.

Đồng tình với ý kiến của ông Giang, Giám đốc nhân sự của Robert Bosch Engineering Vietnam chia sẻ, với những kỹ sư chân chất, thỉnh thoảng một cái vỗ vai khen ngợi ngay sau khi họ làm tốt còn trị giá gấp nhiều lần quà tặng vào dịp cuối năm. Tính tức thời là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác gắn kết.

"Bạn phải luôn nằm lòng rằng, để giữ được trái tim nhân viên, bạn phải làm việc từng ngày. Như phải thường xuyên có những buổi tập huấn cho các lãnh đạo trực tiếp, lãnh đạo cấp thấp, cùng làm việc đó. Tập huấn cho họ cách phản hồi với nhân viên sao cho hợp lý, quan tâm tới tâm tư tình cảm của từng nhân sự, nói phải đi đôi với làm", bà Phương Mai nhìn nhận.

Theo bà Mai, bộ phận HR phải trang bị "đồ chơi" để các sếp trực tiếp có được "tình yêu" của các nhân viên dưới quyền. Vì hầu hết nguyên nhân khiến công ty mất nhân sự không phải bởi công ty tồi, mà bởi nhân sự bất mãn với sếp.

Quan trọng nữa, chúng ta phải truyền thông kịp thời, minh bạch và rõ ràng tất cả quyết định của công ty tới từng nhân viên. Nếu là công ty đa quốc gia, phải tôn trọng văn hóa của từng nhân viên. 

Cuối cùng, theo các chuyên gia, nếu công ty của bạn quá đông nhân viên, bạn không nên ôm đồm hết tất cả các công việc gắn kết, mà nên dùng nguồn lực từ bên ngoài. Lúc này, bộ phận nhân sự chỉ nên tự mình thực hiện những hoạt động cốt lõi quan trọng.