Làm thế nào để 'đại bàng Việt' cất cánh?

Phương Linh - 15:36, 06/03/2021

TheLEADERNhiều doanh nghiệp cho rằng, để xây dựng khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, họ cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng và đặc biệt là các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn.

Làm thế nào để 'đại bàng Việt' cất cánh?
Du lịch cần phải có những chính sách ưu tiên hơn để thu hút đầu tư

Bốn yếu tố để "đại bàng Việt" làm tổ

Là một trong những doanh nghiệp tư nhân đang khá phát triển tại Việt Nam, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch tập đoàn Bkav là luôn trăn trở về chiến lược để xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh cho Việt Nam.

Ông Thắng đã tìm hiểu tại Hàn Quốc, Trung Quốc và nhận ra rằng, những tập đoàn lớn của Hàn Quốc chiếm khoảng 50-60% GDP. Nếu Việt Nam có thể xây dựng được những doanh nghiệp tương tự thì có thể dẫn dắt nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp mũi nhọn chính là cánh chim đầu đàn để kinh tế Việt Nam "cất cánh".

Đại diện Bkav đưa ra một số đề xuất để xây dựng doanh nghiệp mũi nhọn như Chính phủ chọn các doanh nghiệp vượt trội, có sức khoẻ, sức mạnh cạnh tranh về công nghệ; cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bùng nổ. 

Trong đó, bốn yếu tố là vốn, nhân lực, thị trường, chính sách đặc biệt quan trọng. Đây chính là "hạ tầng" để đại bàng làm tổ. 

Phân tích kỹ hơn, ông Thắng cho rằng, với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, việc đầu tư rất tốn kém, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn. Tài sản trí tuệ rất khó định lượng, vì vậy cần có cơ chể để các công ty khởi nghiệp thuận lợi nhận dòng tiền. 

Ngoài ra, nguồn nhân lực công nghệ cao cũng rất cần thiết, do đó, cần tạo điều kiện để các sinh viên tiếp cận với công việc trước khi tốt nghiệp.

Khi đã có sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá cao, Chính phủ lại cần tạo bàn đạp để sản phẩm được phổ biến, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trước khi vươn ra toàn cầu.

"Việt Nam cần phải xây dựng chính sách phát triển hạ tầng cho các doanh nghiệp mũi nhọn, tạo điều kiện cho đại bàng có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Thắng nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, lý giải tại sao Việt Nam chưa có nhiều "đại bàng nội", ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, thách thức để phát triển.

Việt Nam thiếu các doanh nghiệp "đại bàng" do nhiều đơn vị chưa thể minh bạch, chia sẻ về hoạt động kinh doanh, khó có thể đồng hành, liên kết phát triển. Doanh nghiệp không thể nghĩ "riêng lẻ khoẻ ăn", tự cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau. Ngoài ra hệ sinh thái phát triển còn thiếu, các doanh nghiệp hầu như tự lực, tự cường và tự cạnh tranh nội địa.

Hệ quả là tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam rất nhiều, nhưng lại thiếu các doanh nghiệp đầu tàu. 

Chính vì vậy, muốn tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, nhà nước cần có chính sách để thu hút sự tham gia đồng đều của các doanh nghiệp, trong đó khối tư nhân và quốc doanh song song phát triển.

Theo ông Đoàn, nhà nước cần phải có hoạch định mạch lạc để doanh nghiệp phát triển mạnh trong 5 đến 20 năm tới. Đặc biệt, Chính phủ có thể hạn định số lượng đơn vị tham gia vào một số ngành nghề để tránh lãng phí nguồn lực. Ông nhấn mạnh vai trò quy hoạch của Chính phủ, ví dụ không nên để tỉnh nào cũng làm du lịch, công nghiệp, không nên phát triển tràn lan, chồng chéo.

Doanh nghiệp lớn cần những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn

Chia sẻ về mong muốn của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, khi quyết định đầu tư vào một địa phương, có 3 yếu tố doanh nghiệp rất quan tâm.

Yếu tố thứ nhất là quy hoạch xây dựng của địa phương để biết được địa phương đang cần đầu tư vào lĩnh vực nào. Công tác quy hoạch phủ càng rộng, lợi thế càng cao.

Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đây là lợi thế thu hút nhà đầu tư. "Điển hình như dự án của FLC ở Bình Định, trước đó còn là một vùng đất hoang sơ. Việc đầu tư con đường lớn dẫn đến dự án FLC, chúng tôi coi là lợi thế rất tiềm năng. Mỗi địa phương có cách chuẩn bị đón các doanh nghiệp, nhưng nếu địa phương quan tâm đầu tư hạ tầng kết nối thì đó là lợi thế lớn", bà Dung chia sẻ.

Yếu tố thứ 3 là thị trường lao động, tức là nguồn lao động của địa phương. Doanh nghiệp luôn quan tâm đến vấn đề tuyển dụng lao động, nhất là du lịch dịch vụ. Nếu không có lao động thì rất khó để triển khai hoạt động cho doanh nghiệp. Thuận lợi hơn, nguồn lao động chính là thị trường cho doanh nghiệp phát triển tại địa phương đó.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là các yếu tố cần, theo bà Dung, bên cạnh đó là các yếu tố tiên quyết . Đầu tiên là thái độ ứng xử, tương tác giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu nhận được sự chào đón chân thành của chính quyền thì sẽ cảm thấy có thiện cảm và yên tâm khi đầu tư.

Bà Dung dẫn chứng một thực tế đáng buồn là các địa phương khi thu hút đầu tư FDI cam kết giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt nếu không hoàn thành kịp tiến độ vì nhà đầu nước ngoài đưa ra yêu cầu rất cao. Tuy nhiên, với nhà đầu tư trong nước thậm chí quy mô lớn hơn nhà đầu tư nước ngoài lại sự không có sự cam kết đó.

Yếu tố tiếp theo là môi trường chính trị, sự đoàn kết thống nhất trong chủ trương, chỉ đạo của các địa phương. Doanh nghiệp khi đầu tư vào một địa phương thì luôn mong muốn đầu tư lâu dài. Do đó, họ quan tâm rằng cả quá trình đầu tư sẽ được quan tâm, ứng xử ra sao. Điều đó lại phụ thuộc vào môi trường chính trị, sự xuyên suốt trong chỉ đạo.

Ngoài ra, mỗi địa phương có điểm hoàn thiện bổ sung để tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, ví dụ như cải cách thủ tục hành chính, sự vào cuộc của các cấp địa phương. 

Như nhiều doanh nghiệp nhận định, Quảng Ninh là địa phương hội tụ 3 yếu tố cần kể trên cũng như yếu tố tiên quyết môi trường đầu tư. Vì vậy nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư lâu dài vào Quảng Ninh và cảm thấy yên tâm khi đầu tư vì được đồng hành, quan tâm.

Theo bà Dung, nhà đầu tư lớn không cần chính sách riêng trong phát triển, mà cần những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn trong những ngành được xác định là mũi nhọn của nền kinh tế. Ví dụ, Đảng và Nhà nước xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn nhưng bà Dung nhận thấy các doanh nghiệp muốn đầu tư ngành này chưa có các cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút và hấp dẫn, trong khi đây là lĩnh vực hoàn vốn khá lâu.

"Ngoài ra ở lĩnh vực du lịch mà chúng tôi đầu tư, cũng chưa có các điều khoản cụ thể trong chính sách về đầu tư hạ tầng du lịch. Hạ tầng là tiền đề để thu hút đầu tư. Du lịch là lĩnh vực được nhà nước quan tâm thì càng phải có những chính sách ưu tiên hơn," bà Dung nhấn mạnh.