Lao động phi chính thức chưa được bảo vệ

Minh Nguyệt - 15:39, 04/10/2017

Việt Nam có tới gần 2/3 tổng số lao động làm việc ở khu vực phi chính thức với năng suất lao động thấp, không được pháp luật bảo vệ.

Lao động phi chính thức chưa được bảo vệ
Báo cáo cho thấy, hơn 90% lao động phi chính thức là lao động không có chuyên môn, kỹ thuật.

Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam cần phải thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức nhằm bảo vệ quyền lợi lao động, thúc đẩy kinh tế quốc gia.

Lao động 3 không

Tại hội thảo về đo lường việc làm phi chính thức tại Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức vào chiều 3/10, số liệu của Tổng cục Thống kê trong năm 2016 cho thấy, gần 60% lao động làm việc ở khu vực phi chính thức. Trong đó, chủ yếu là lao động làm nông - lâm - ngư nghiệp (chiếm tới hơn 41%) sau đó là lao động làm trong các ngành dịch vụ vừa và nhỏ như du lịch, bán hàng, công nghiệp…

Xu hướng lao động có việc làm phi chính thức tại Việt Nam đang có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2014-2016. Cụ thể, giảm từ 58,8% năm 2014 xuống còn 57,2% năm 2016. Con số này có thể sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới nếu Việt Nam có những động thái tích cực trong việc thúc đẩy chuyển dịch việc làm. 

Báo cáo cho thấy, hơn 90% lao động phi chính thức là lao động không có chuyên môn, kỹ thuật. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai (Vụ Thống kê dân số và lao động - Tổng Cục thống kê) – người trình bày báo cáo trên cho biết, ở Việt Nam, lao động phi chính thức được xác định trên việc làm không chính thức. Theo đó, lao động phi chính thức là lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, BHYT hay hưởng lương cố định. 

Bà Mai cho biết, tỷ lệ việc làm phi chính thức ở Việt Nam và Trung Quốc ngang nhau (khoảng 58%). Riêng ở khu vực Đông Nam Á, con số là tương đối lớn. Thậm chí một số quốc gia trên thế giới như ở châu Phi, có những quốc gia có tỷ lệ lao động phi chính thức lên tới 90%.

Lao động phi chính thức là lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, BHYT hay hưởng lương cố định

Bà Sandra Yu – chuyên gia lao động của ILO tại Bangkok (Thái Lan) cho rằng, tính phi chính thức từ lâu đã được coi là một đặc điểm phổ biến của nền kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển như Việt Nam. Tỷ lệ phi chính thức cao có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách và các hoạt động của chính phủ, đặc biệt là về khía cạnh chính sách kinh tế - xã hội và môi trường, cũng như tính lành mạnh của thể chế và sự cạnh tranh công bằng trên thị trường quốc gia và quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Việt Nam là dù có một lượng lớn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (khu vực vốn được coi là khu vực chính thức) nhưng lại là lao động phi chính thức vì không có hợp đồng, không được đóng BHXH, BHYT… Phần lớn lao động này làm thời vụ, không ký hợp đồng, bị trốn đóng BHXH… "Sự chuyển dịch không chỉ đảm bảo quyền lợi cho lao động mà còn góp phần phát triển đất nước", bà Sandra Yu nói.

Cần rút bớt lao động phi chính thức

Trước thực trạng trên, giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra để cải thiện chất lượng kinh tế là phải rút bớt được lao động phi chính thức mà trọng tâm là rút bớt lao động nông nghiệp, nông thôn.

Theo chuyên gia ILO, để giảm bớt lao động phi chính thức thì phải thúc đẩy hóa chính thức việc làm thông qua việc đưa lao động vào làm tại các công ty, có ký kết hợp đồng. Lao động được đóng BHXH, mua BHYT, được bảo vệ quyền lợi…

Trước đó, Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu và có nhiều chủ trương lớn để thực hiện nhiệm vụ này. Có thể kể tới chủ chương tăng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, giảm thuế cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động nông thôn, vùng dân tộc… Từ đó, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt lao động nông thôn.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chuyển dịch cơ cấu lao động được nhiều nhà kinh tế xem như chỉ tiêu quyết định nhất để đánh giá thành công của quá trình công nghiệp hoá. So sánh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nhóm ngành nông nghiệp sang nhóm ngành phi nông nghiệp trong khoảng 20 năm giữa Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc có thể thấy, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam là chậm nhất.

Còn theo TS Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), muốn thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức thì cần tăng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế. 

"Trọng tâm vẫn phải là đào tạo nghề để nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để rút bớt lao động phi chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp", TS. Trương Anh Dũng cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có hơn 54 triệu lao động trong đó có gần 40 triệu lao động phi chính thức (20 triệu lao động nông nghiệp), chỉ có hơn 13 triệu lao động chính thức. Đáng nói, có tới 6 triệu lao động dù làm việc trong khu vực chính thức nhưng lại là "lao động phi chính thức" vì không được ký hợp đồng, hoặc được ký hợp đồng nhưng lại không được đóng BHXH, BHYT… Theo tin từ cuộc hội thảo, hôm nay (4.10), Tổng cục Thống kê sẽ công bố báo cáo lao động phi chính thức 2017.