Lập đội tàu biển quốc tế của Việt Nam: Đại kế hoạch sẽ thôi 'nằm trên giấy'?

Tuệ Minh - 08:58, 22/04/2022

TheLEADERViệc lập một đội tàu biển quốc tế của Việt Nam đã được nhắc đến nhiều lần nhưng chưa một kế hoạch nào được thực hiện.

Lập đội tàu biển quốc tế của Việt Nam: Đại kế hoạch sẽ thôi 'nằm trên giấy'?
Kế hoạch lập một đội tàu biển quốc tế của Việt Nam sau nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện.

Dù nằm trên “đường biển vàng” trong vận tải hàng hải trọng yếu Đông – Tây bán cầu nhưng vận chuyển hàng hoá của Việt Nam lại đang gặp khó do phải phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. 

Do đó, việc đầu tư phát triển bài bản cho đội tàu container quốc tịch Việt Nam là điều rất cần thiết lúc này để có thể chủ động đưa hàng hoá trong nước đi các thị trường, đồng thời có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đội tàu quốc tế.

Yêu cầu cấp bách

Như TheLEADER đã thông tin trước đây, ngành vận tải biển Việt Nam đang gặp một nghịch lý khi hơn 90% thị phần hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào 38 hãng tàu nước ngoài. Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tại các cảng xảy ra tình trạng ùn tắc, thiếu tàu và vỏ container khiến giá cước tăng cao, ảnh hưởng nặng nề tới xuất nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu.

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho biết, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên không có sức cạnh tranh, đa phần làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, thiếu chuyên nghiệp...

Điều này được minh chứng qua việc đội tàu biển mang "quốc tịch Việt Nam" hiện chỉ đảm nhận vận tải nội địa và một số tuyến quốc tế ngắn như Hồng Kông, các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản.

Đáng chú ý, tính đến ngày 31/3/2022 cả nước có 10 công ty vận tải container, sở hữu 48 tàu container với tổng sức chở 39.519 TEU, tổng trọng tải 548.236 DWT, trong đó có tới 13 tàu trên 25 tuổi, 3 tàu trên 20 tuổi, 15 tàu có trọng tải từ 300 TEU đến dưới 600 TEU chỉ có thể chạy ở trong nước, còn lại 17 tàu có trọng tải từ 600 TEU trở lên trong đó có 14 tàu có trọng tải từ 1.000 đến 1.800 TEU

Trong khi đó, tính đến 25/3/2022 đội tàu container trên thế giới đã có 6.346 tàu với tổng sức chở 25,5 triệu TEU, tổng trọng tải hơn 305,9 triệu DWT.

Điều đáng nói ở đây là Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), lượng hàng hóa xuất khẩu qua đường biển tăng trung bình 10-15%, cấp thiết phải phát triển một đội tàu biển xứng tầm để có thể tận dụng được hết những cơ hội từ đó mang lại.

Hơn nữa,  vận tải biển là một trong 2 trụ cột quan trọng của nền kinh tế hàng hải và cũng là nhân tố quan trọng, góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo.

Cần những chính sách đồng bộ và tổng thể

Không thể phủ nhận sự cần kíp của việc cần có một đội tàu mang quốc tịch Việt Nam nhằm tăng tính cạnh tranh, phục vụ phát triển nền kinh tế quốc gia nhưng vẫn cần có thời gian để đưa ra những chính sách đồng bộ và tổng thể.

Thực tế, vấn đề này đã được nhiều Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra từ nhiều năm qua nhưng cho đến nay vẫn chưa có một kế hoạch nào được thực hiện. Bởi lẽ để xây dựng và phát triển đội tàu container quốc gia không thể chỉ tính toán lỗ lãi trong thời gian ngắn mà phải có tầm nhìn lâu dài.

Cùng với đó, phải đầu tư đồng bộ cả ba yếu tố hình thành nên loại hình vận tải này, bao gồm tàu chuyên dụng chở container, vỏ container và mạng lưới phục vụ khách hàng, đội tàu ở tất cả các cảng chính mà tàu sẽ đến.

Theo đó, để tạo đà phát triển cho doanh nghiệp vận tải biển, cần thiết phải có giải pháp ưu tiên thị phần cho đội tàu trong nước. Ngoài ra, tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn đầu rất lớn, nên có thể huy động nguồn vốn tư nhân để đầu tư là chủ yếu, có kết hợp với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ như cho các doanh nghiệp vay tối thiểu 50% tổng vốn đầu tư từng con tàu với lãi suất ưu đãi, thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Nhìn sang các nước láng giềng có thể thấy, để tận dụng được thế mạnh là quốc gia biển để phát triển đội tàu container, Thái Lan đã phải đưa ra nhiều chính sách về tài chính, thuế phí như miễn thuế doanh nghiệp cho các tuyến vận tải biển, giảm thuế bán tàu cũ mua tàu mới, giảm thuế nhập khẩu cho ngành vận tải biển xuống 1%, thậm chí xem xét việc giảm thuế giá trị gia tăng cho những nhà xuất khẩu vận chuyển bằng đường biển nếu sử dụng tàu trong nước…

Hay như tại Philippines, quốc gia này chú trọng tăng cường quản lý và khuyến khách các hãng tàu thuê trần và đăng ký treo cờ Philippines, quy định hàng hoá ngoại thương cho Chính phủ kiểm soát phải được chuyên chở bằng tàu trong nước…Từ những chính sách này mà trong nhiều năm qua, Thái Lan và Philippines đã liên tục ghi nhận sự tăng trưởng về vận chuyển hàng hoá quốc gia bằng tài nội địa.

Do vậy, nếu Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam được thông qua (theo dự kiến là trong năm 2022), ngành vận tải biển Việt Nam có thể "thay da đổi thịt", hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như vận tải nội địa, trong bối cảnh đất nước phục hồi kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.