Lo ngại rủi ro cản trở phát triển 'ngân hàng xanh'

Phạm Sơn - 08:51, 30/10/2022

TheLEADERCác lĩnh vực xanh như công trình xanh hay năng lượng tái tạo thường yêu cầu vốn đầu tư cao, thời gian hoàn vốn dài, dễ gây ra rủi ro trong khi nguồn vốn vay của các tổ chức tính dụng là vốn huy động ngắn hạn. Đây là một trong những rào cản phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam.

Lo ngại rủi ro cản trở phát triển 'ngân hàng xanh'
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế đi kèm với chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng kinh tế tuần hoàn là xu thế đang dần được định hình một cách rõ nét ở Việt Nam.

Thuận theo dòng chảy tất yếu này, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đang nỗ lực chuyển mình, thay đổi dây chuyền sản xuất, mô hình kinh doanh theo hướng bền vững. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này vấp phải nhiều cản trở. Trong đó, cản trở về nguồn vốn là nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững, tín dụng xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu, đã chứng tỏ được hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nói về tín dụng xanh tại Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Bắc, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã có nhiều hoạt động thực chất hơn hướng đến tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế để cung cấp vốn xanh cho các hoạt động phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2017 – 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 25% mỗi năm. Tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 500 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chủ yếu tập trung vào năng lượng sạch và nông nghiệp xanh.

Một số chương trình tín dụng xanh nổi bật trong giai đoạn vừa qua có thể kể đến như sản phẩm cho vay dự án hiệu quả năng lượng của SHB phối hợp cùng BIDV, TPBank, VietinBank… từ Quỹ khí hậu xanh của Ngân hàng Thế giới (WB); Sản phẩm cho vay công trình xanh của VPBank từ vốn của IFC…

Đánh giá cao những định hướng của Ngân hàng Nhà nước và nỗ lực của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dự nợ toàn nền kinh tế vẫn còn khá thấp, cần được thúc đẩy hơn nữa trong tương lai.

Đồng quan điểm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhận xét, tín dụng xanh ở Việt Nam chưa phát triển nhanh như kỳ vọng cũng như tiềm năng. Thực tế, tín dụng xanh vẫn còn vướng phải nhiều rào cản.

TS. Nguyễn Xuân Bắc cũng chỉ ra rào cản đến từ việc chưa có quy định chung về phân loại hay danh mục các dự án xanh, do đó các tổ chức tín dụng còn gặp lúng túng trong việc cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Tổ chức tín dụng cũng khó giảm sát và quản lý rủi ro tín dụng vì thiếu tiêu chuẩn đánh giá.

Một rào cản khác phải kể đến là đặc thù của một số lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, xây dựng công trình xanh thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian hoàn vốn lâu, trong khi vốn vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn.

Bà Michele Wee nhìn nhận, để tín dụng xanh được phát triển, Việt Nam cần đảm bảo có một lộ trình nhanh chóng để chuyển đổi sang năng lượng xanh, đồng thời tạo ra một khuôn khổ tài chính hợp lý cho các dự án có tính chất “xanh” được vay vốn ngân hàng. Lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đề xuất một số giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về các dự án đầu tư, kinh doanh có tác động đến môi trường, xây dựng tiêu chuẩn tín dụng xanh cũng như danh mục lĩnh vực xanh để áp dụng thống nhất cho các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, ưu đãi cho các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh. Bà Wee đề nghị có thể không tính khoản vay cho mục tiêu phát triển bền vững vào phân bổ tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Cuối cùng, chỉ định một số ngân hàng làm cố vấn, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ cũng như chuyển giao kinh nghiệm phát triển vốn vay xanh tới các tổ chức tín dụng.