Lo ngại xu hướng tập đoàn bất động sản kiểm soát ngân hàng trỗi dậy

Trần Anh - 10:00, 07/03/2022

TheLEADERViệc ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản trở thành ông chủ tại các ngân hàng đang làm gia tăng lo ngại về rủi ro cho vay, khi dòng vốn ngân hàng có thể bị điều tiết để cho vay các doanh nghiệp sân sau một các dễ dàng.

Giảm tỷ lệ sở hữu chéo tại các ngân hàng là một trong những mục tiêu quan trọng của hệ thống tài chính Việt Nam kể từ năm 2010. Những chính sách quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt với sự ra đời của Thông tư 36 năm 2014, những rủi ro từ sở hữu chéo ngân hàng đã gần như được kiểm soát. Tính đến năm 2019, những tổ chức có sở hữu chéo trong hệ thống đã giảm từ 56 xuống chỉ còn 1.

Mặc dù vậy, trong khi nguy cơ từ việc sở hữu chéo các ngân hàng gần như bị triệt tiêu, các hình thức sở hữu mới trong hệ thống lại xuất hiện. Đáng chú ý nhất là việc hàng loạt các nhà phát triển bất động sản lớn gần đây bất ngờ xuất hiện trong vai trò lãnh đạo ngân hàng.

Việc các ông trùm bất động sản hiện diện tại các ngân hàng không phải là hiện tượng mới, mà là một xu hướng đã xuất hiện từ lâu. Nếu nhìn vào hệ thống tài chính hiện nay, có thể thấy rất nhiều tập đoàn bất động sản đang có mối liên hệ mật thiết với các nhà băng. Có thể kể tới hàng loạt những cặp đôi như: VPBank – MIK Group, SeaBank – BRG Group, HDBank – Sovico Group, Sacombank – Him Lam, ABBank - Geleximco...

Trong năm 2021, xu hướng này có dấu hiệu được đẩy mạnh trở lại khi thị trường tài chính chứng kiến hàng loạt các lãnh đạo tập đoàn bất động sản trở thành chủ tịch hay cổ đông lớn của ngân hàng thương mại.

Cụ thể, tháng 5/2021, bà Trần Thị Thu Hằng, CEO của Sunshine Group – nhà phát triển bất động sản mới nổi với nhiều dự án lớn tại Hà Nội và TP.HCM, đã trở thành chủ tịch của KienlongBank. 

Cùng thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Thụy, nhà sáng lập Thaiholdings, một tập đoàn bất động sản và năng lượng, trở thành phó chủ tịch tại LienVietPostBank. Ông Thụy và các thành viên trong gia đình sau đó cũng mua một lượng lớn cổ phần tại LienVietPostBank.

Kế đến, tháng 7/2021, bà Bùi Thị Thanh Hương, CEO của SunGroup, tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam trở thành chủ tịch Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Sau đó không lâu hai bên bắt tay ký kết một thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Đầu năm 2020, NHNN tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản, bằng việc ban hành Thông tư 22. Quy định mới phần nào giúp tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản giảm chậm lại từ mức tăng trưởng 27% năm 2018, xuống 21% năm 2019 và chỉ còn 12% vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, mặt trái là sự ra đời của Thông tư 22 càng thôi thúc các doanh nghiệp bất động sản lớn trở thành cổ đông lớn tại các ngân hàng, từ đó dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Sau hàng loạt thương vụ diễn ra trong năm 2021, thị trường gần đây có nhiều đồn đoán về các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ tiếp tục bị kiểm soát bởi các tập đoàn bất động sản. 

Gần đây nhất, tại ĐHCĐ Eximbank, Bamboo Capital – tập đoàn bất động sản và năng lượng bất ngờ xuất hiện với vai trò quan trọng. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch tập đoàn trở thành thành viên HĐQT của Eximbank. Trước đó, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch của Bamboo Capital và Công ty Helios cổ đông lớn của tập đoàn trở thành cổ đông của Eximbank.

Hàng loạt cái tên bất động sản lớn khác được cho là đang ráo riết tìm kiếm các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng. Mục tiêu của họ là những ngân hàng tư nhân quy mô vừa và nhỏ, có bảng cân đối sạch. Đặc biệt, các cổ đông hiện tại không có nhu cầu lớn trong việc nắm giữ cổ phần chi phối tại ngân hàng hoặc đã chuyển sang lĩnh vực khác. 

Trong số các ngân hàng tư nhân quy mô vừa và nhỏ hiện nay, ngân hàng Bắc Á (BacABank), ngân hàng Việt Á (VietABank) hay ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) được xem là những ứng cử viên tiềm năng nhất.

Việc các tập đoàn tư nhân đầu tư vào ngân hàng được đánh giá là tích cực ở hai khía cạnh, với điều kiện NHNN hiện quản lý rất chặt chẽ. Thứ nhất, quá trình thay máu cổ đông (phải được NHNN chấp thuận) mang tới những nhà đầu tư lành mạnh, có động lực tái cơ cấu, phát triển ngân hàng; và thứ hai, khi kết hợp giữa hệ sinh thái, tập khách hàng sẽ tạo ra giá trị vượt trội cho cả hai bên, qua đó cũng đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Mặc dù vậy, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản trở thành ông chủ tại các ngân hàng chắc chắn làm gia tăng lo ngại về rủi ro cho vay, khi các doanh nghiệp sau khi thâu tóm có thể điều tiết dòng vốn của ngân hàng để cho vay sân sau các doanh nghiệp của mình.

Theo Luật các tổ chức tín dụng, một tổ chức tín dụng hiện có thể cung cấp khoản vay tối đa 15% vốn cho một khách hàng, và tối đa 25% vốn cho một khách hàng và các tổ chức liên quan. Tuy nhiên, với việc các nhà phát triển bất động sản hiện sở hữu rất nhiều công ty con, công ty liên kết, rủi ro dễ thấy là các doanh nghiệp bất động sản có thể sử dụng các công ty liên kết mà chủ sở hữu không liên quan trực tiếp để vay vốn ngân hàng. Trong những trường hợp đó, ngân hàng hoàn toàn có thể cho vay vượt qua quy định tối đa 25% vốn một cách “hợp pháp”.

Đây không phải là rủi ro trên lý thuyết. Ngay tại châu Âu, nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đã dính vào những vụ việc tương tự, chẳng hạn như việc Credit Suisee đã lộ ra hàng loạt khoản vay “bắc cầu” và chịu thiệt hại nặng nề trong vụ sụp đổ của công ty dịch vụ tài chính Greensill Capital.

Tại Trung Quốc, sự sụp đổ của tập đoàn bất động sản lớn Evergande, kéo theo “bom nợ” trái phiếu doanh nghiệp phát nổ cũng là bài học cảnh bảo cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam – nơi có cách thức và hoạt động và huy động vốn tương tự. Ngay sau khi sự kiện Evergande diễn ra, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đã có nhiều động thái siết chặt lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Một số chuyên gia phân tích cảnh báo các hình thức sở hữu mới này có thể ảnh hưởng nặng nề cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản gián đoạn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đặc biệt quan tâm tới các ngân hàng đóng vai trò “sân sau” của các tập đoàn bất động sản.