Logistics không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á

Phạm Sơn - 10:03, 10/07/2021

TheLEADERDịch vụ logistics tại các quốc gia Đông Nam Á đang trở nên đuối sức, khó có thể đáp ứng nhu cầu khi công nghệ số phát triển mạnh mẽ tại khu vực này.

Logistics không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á
Ngành logistics cần phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu bùng nổ trong bối cảnh kinh tế số tại Đông Nam Á.

Nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á, ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều cơ quan nghiên cứu đã chỉ ra nhưng cơ hội lớn lao cho các lĩnh vực như thương mại điện tử hay thanh toán không tiếp xúc tại thị trường năng động hàng đầu thế giới này.

Dự kiến, quy mô kinh tế số ASEAN sẽ đạt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain.

Sự phát triển của nền kinh tế số kéo theo nhu cầu dịch vụ logistics ngày càng tăng cao. Theo Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), chất lượng dịch vụ logistics, cụ thể là tính sẵn có, độ tin cậy cũng như hiệu quả về chi phí sẽ là yếu tố quyết định cạnh tranh của các quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số.

Tuy nhiên, ngành logistics Đông Nam Á lại đang bộc lộ nhiều điểm yếu, khiến tốc độ phát triển khó có thể đuổi kịp với nền kinh tế số.

Tech Wire Asia phân tích, tại các quốc gia có diện tích tương đối lớn trong khu vực như Việt Nam, Indonesia và Philipines, logistics gặp nhiều khó khăn để phục vụ trên phạm vi lớn, với những bất cập về cơ sở hạ tầng. Trong đó, Indonesia và Philippines gặp phải thách thức lớn hơn cả với địa hình bao gồm hàng nghìn hòn đảo.

Thách thức còn đến từ việc các quốc gia dường như vẫn chưa thực sự coi trọng logistics, khi các thành viên ASEAN vẫn chưa có một định nghĩa chung cho lĩnh vực này. Đối với hầu hết các nước, cơ sở về hải quan, pháp lý cũng như chính sách cũng không có sự rõ ràng, đặc biệt đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Cơ hội cho các công ty khởi nghiệp

Thị trường logistics của Indonesia có độ phân mảnh và cạnh tranh cao, với một số công ty lớn cùng hàng ngàn công ty vừa và nhỏ. Sự cạnh tranh này là một động lực quan trọng giúp Indonesia cải thiện chất lượng dịch vụ logistics.

Mặt khác, tính phân mảnh cũng là điều vô cùng cần thiết cho ngành logistics của quốc gia này, bởi với hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, không doanh nghiệp nào có thể đáp ứng toàn bộ được chuỗi cung ứng.

Những năm gần đây, các công ty khởi nghiệp đã bắt đầu tham gia vào thị trường logistics, với nhiều giải pháp công nghệ tương đối hiệu quả. Một số cái tên có thể kể đến như Advotics với dịch vụ giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng dành hay Logisly cung cấp dịch vụ đặt, quản lý và theo dõi xe hàng trên nền tảng số.

Phong trào khởi nghiệp logistics cũng diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia khác khu vực Đông Nam Á. Công ty Locad có trụ sở tại Singapore mới đây đã huy động được 4,9 triệu USD nhờ vào ý tưởng cung cấp giải pháp hoàn thiện từ đầu tới cuối chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Một startup khác đến từ Singapore là Ninjavan cũng đã huy động được tổng nguồn vốn lên đến 400 triệu USD, cung cấp giải pháp theo dõi đơn hàng thông qua nền tảng mạng xã hội.

Startup Abivin tại Việt Nam cung cấp nhiều giải pháp cho các khâu kho bãi, vận chuyển, quản lý chuỗi cũng đang là cái tên sáng giá trên thị trường logistics những năm gần đây, đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những doanh nghiệp nội khối, khu vực Đông Nam Á đang là miếng bánh hấp dẫn cho các ông lớn ngành logistics quốc tế, với một số cái tên như BEST Express, DHL, Hitachi Transport…

Chuỗi cung ứng xuyên biên giới cũng là hướng đi mới của ngành này tại khu vực Đông Nam Á. Gần đây, Singapore và Thái Loan vừa cho ra mắt hệ thống thanh toán thời gian thực tích hợp nhằm tăng cường kết nỗi trong chuỗi cung ứng. Hệ thống này là một trong những sự hợp tác chính thuộc Kế hoạch Kết nối thanh toán ASEAN.

Xây dựng hệ thống logistics xuyên biên giới hoạt động một cách nhuần nhuyễn là cơ sở quan trọng để cải thiện dịch vụ logistics, giúp ngành này bắt kịp với tốc độ của nền kinh tế số.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, thách thức nằm ở việc các nước ASEAN không có cơ sở hạ tầng chung, tương thích và tuân thủ với các tiêu chuẩn quốc tế. Không sử dụng đồng tiền chung cũng là cản trở cho kế hoạch này.