Lợi nhuận quý I của BIDV bị Vietinbank, Vietcombank bỏ xa

Minh An - 14:37, 29/04/2021

TheLEADERVietcombank và Vietinbank vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý I đều vượt 8.000 tỷ đồng, trong khi BIDV chỉ đạt khoảng 3.400 tỷ đồng.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với kết quả ấn tượng nhờ cải thiện thu nhập lãi thuần và giảm trích lập dự phòng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong quý đầu năm nay, VietinBank đạt 21.095 tỷ đồng thu nhập lãi, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi phí lãi giảm đến 30% từ 13.093 tỷ đồng quý I/2020 xuống còn 10.453 tỷ đồng. Kết quả là thu nhập lãi thuần đạt hơn 10.642 tỷ đồng, tăng 26% so với quý đầu năm ngoái.

Ngân hàng cho biết, thu nhập lãi giảm một phần do các chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời Vietinbank đẩy mạnh các biện pháp giảm chi phí vốn: phát triển dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh chiến dịch về EFAST, eKYC để thu hút khách hàng, tăng trưởng tiền gửi thanh toán và kênh huy động vốn...

Đến cuối tháng 3, tổng cho vay khách hàng của Vietinbank đạt 1,017 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong khi tiền gửi của khách hàng tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng lên 1,003 triệu tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 8.060 tỷ đồng, gần gấp 3 lần quý I năm ngoái nhờ tác động của việc giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, Vietinbank đã trích lập 1.350 tỷ đồng dự phòng so với mức 4.392 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái do không phải dự phòng trái phiếu VAMC. Năm ngoái Vietinbank đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC để tất toán thay vì kế hoạch 5 năm như trước đây.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 mới đây, Vietinbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ chỉ là 16.800 tỷ đồng. So với con số này, ngân hàng đã hoàn thành gần 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, Vietinbank dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 7,5% (mức tăng trưởng cụ thể theo phê duyệt của SBV), nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 8%-12% (có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng).

Đồng thời ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 1,5% và các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cơ sở của kế hoạch năm nay được xây dựng sau giai đoạn VietinBank đã đẩy mạnh đổi mới, cải cách, tái cấu trúc hoạt động. Ngân hàng đã thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời đáp ứng vốn tự có của ngân hàng theo chuẩn mực Basel II và chính thức áp dụng Thông tư 41 từ năm nay.

Lợi nhuận quý I của Vietinbank vượt Vietcombank
Kết quả kinh doanh quý I/2021 của Vietinbank. Đơn vị: Triệu đồng

Sau Vietinbank, ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành nhiều năm qua là Vietcombank cũng công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021. Theo đó, thu nhập lãi của Vietcombank đạt 17.201 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng nhờ chi phí lãi giảm mạnh tới 22%, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt 10.081 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng dịch vụ là điểm nhấn của Vietcombank trong quý 1 năm nay khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3.437 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với quý 1/2020. Chia sẻ tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra, Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đã hạch toán 1.700 tỷ đồng phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm với FWD và 1.100 tỷ đồng phí hoa hồng. Như vậy, tổng thu nhập từ hoạt động phân phối bảo hiểm trong quý I đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.

Nhờ đột biến lãi từ mảng dịch vụ, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Sau khi dự phòng rủi ro tín dụng, ngân hàng báo lãi trước thuế 8.631 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tài sản, tính tới thời điểm cuối tháng 3/2021, Vietcombank có tổng tài sản đạt 1,270 triệu tỷ đồng, giảm gần 4% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do tiền gửi tại và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh 25%, xuống còn 203 nghìn tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3,6%, đạt 850 nghìn tỷ đồng.

Trong khi Vietinbank, Vietcombank đua nhau báo lãi đậm, một ngân hàng TMCP Nhà nước khác là BIDV lại tỏ ra hụt hơi do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn.

Trong quý 1/2021, BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 10.830 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. BIDV hiện là ngân hàng thương mại có quy mô cho vay lớn nhất hệ thống với quy mô 1,233 triệu tỷ đồng vào cuối quí 1, đồng thời tiền gửi khách hàng cũng đạt 1,225 triệu tỷ đồng.

Các mảng kinh doanh khác của BIDV cũng cho thấy mức tăng trưởng tốt, như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.434 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 450 tỷ đồng, tăng 2,5 lần; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 1.804 tỷ đồng, cũng tăng hơn 3 lần.

Tuy hoạt động kinh doanh mạnh mẽ giúp lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng của BIDV đạt 10.568 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV trong kỳ lên tới 7.172 tỷ đồng.

Kết quả, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 đạt xấp xỉ 3.400 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù tăng trưởng mạnh, mức lợi nhuận của BIDV thấp hơn nhiều so với các ngân hàng cùng quy mô, thậm chí bị những ngân hàng quy mô tài sản nhỏ hơn như VPBank, MB hay Techcombank bỏ xa.