Luật Quản lý thuế gắn thêm trách nhiệm của ngân hàng

Hạ Vũ - 13:25, 13/06/2019

TheLEADERLuật Quản lý thuế (sửa đổi) đưa ra quy định các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản và số dư của người nộp thuế nếu có yêu cầu.

Luật Quản lý thuế gắn thêm trách nhiệm của ngân hàng
Lãi suất phạt chậm nộp là 0,03% /ngày.

Quốc hội sáng nay đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) với hơn 91,3% đại biểu tham gia biểu quyết đồng ý. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Riêng các quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử tới tháng 7/2022 mới có hiệu lực thi hành.

Luật được thông qua có 17 chương với 152 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Người nộp thuế; cơ quan quản lý thuế; công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan; cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Một trong những quy định đáng chú ý trong Luật sửa đổi lần này là Điều 27, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, kho bạc trong thu, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế; bảo mật thông tin người nộp thuế...

Theo đó, các ngân hàng phải cung cấp thông tin số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, các nhà băng có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam; phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế...

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế với hoạt động thương mại theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, nộp thuế online, chứng từ điện tử...

Chủ tịch UBND tỉnh có quyền xoá nợ thuế dưới 5 tỷ đồng

Lần sửa đổi cũng quy định rõ thẩm quyền khoanh, xoá nợ thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ tại 3 điều 85 - 87.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền được xoá khoản nợ thuế quá hạn 10 năm, không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp, khoản nợ dưới 5 tỷ đồng. Thẩm quyền này với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là mức 5-10 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính được quyền xoá nợ thuế với khoản nợ quá hạn 10-15 tỷ đồng và trên 15 tỷ đồng thuộc quyền của Thủ tướng.

Thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gắn thêm trách nhiệm của ngân hàng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Về mức lãi suất phạt chậm nộp 0,03% /ngày, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp, từ 0,07% xuống 0,05% và hiện là 0,03% /ngày.

Theo ông Hải, mức 0,03% /ngày cũng tương đương lãi suất 10,95% /năm, trong khi lãi suất huy động trên thị trường khoảng 4,5-5,5% /năm với tiền gửi dưới 6 tháng và vay ngắn hạn là 6-9% /năm. 

"Hiện mức tiền chậm nộp đã vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất trên thị trường, nên Uỷ ban Thường vụ xin giữ theo quy định tại dự thảo Luật", ông Hải nói.