Martine Rothblatt – Người phụ nữ chuyển giới đóng vai trò then chốt trong ca ghép tim lịch sử

Hường Hoàng - 17:18, 11/02/2022

TheLEADERTháng trước, ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới đã được thực hiện thành công. Sự kiện lịch sử này đã mang đậm dấu ấn của một trong những nữ triệu phú chuyển giới giàu nhất nước Mỹ.

Martine Rothblatt – Người phụ nữ chuyển giới đóng vai trò then chốt trong ca ghép tim lịch sử

Trái tim đượcsử dụng trong ca phẫu thuật này được lấy từ một con lợn biến đổi gen do công ty Revivicor của bà Martine Rothblatt cung cấp.

Sinh ra là nam, Rothblatt đã phẫu thuật chuyển giới thành nữ vào năm 1994. Từng làm luật sư về truyền thông vệ tinh và là người đồng sáng lập Đài vệ tinh Sirius, người phụ nữ 67 tuổi này chắc chắn đã trải qua một hành trình dài để có được những thành công trong lĩnh vực công nghệ sinh học như ngày hôm nay.

Martine Rothblatt – Người phụ nữ chuyển giới đóng vai trò then chốt trong ca ghép tim lịch sử
Martine Rothblatt – Triệu phú chuyển giới đóng vai trò then chốt trong ca ghép tim lịch sử

Trong những năm gần đây, công ty United Therapeutics của Rothblatt đã thử nghiệm nhân bản và chỉnh sửa gen lợn với mục tiêu tạo ra những cơ quan mà cơ thể con người không thể đào thải trong quá trình cấy ghép. 

Thông qua công ty con Revivicor, United Therapeutics đã nghiên cứu và sản xuất các cơ quan nội tạng lợn biến đổi gen mang tên xenokidneys và xenohearts để cấy ghép cho những bệnh nhân mắc những bệnh về thận và tim trong giai đoạn cuối.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố San Diego, ban đầu Rothblatt theo học chuyên ngành nha sĩ. Trong thời kỳ học đại học, Rothblatt đã đi du lịch khắp thế giới bằng việc đi nhờ xe và chơi nhạc để có tiền sinh hoạt.

Sau này, khi đi tham quan một cơ sở vệ tinh của NASA ở Seychelles, Rothblatt đã rất thích thú khi nhận thấy rằng mạng vệ tinh khiến cho mọi người trên toàn thế giới có thể nghe một bài nhạc cùng nhau trong cùng một thời điểm. 

Nên khi quay trở lại Hoa Kỳ, Rothblatt đã học để lấy bằng luật sư tổng quát và bằng MBA của Đại học California (UCLA). Tốt nghiệp, bà làm việc về luật truyền thông vệ tinh cho một công ty ở Washington D.C. Năm 1990, Rothblatt sáng lập Đài phát thanh vệ tinh Sirius để thực hiện tầm nhìn của mình trong lĩnh vực công nghệ này.

Năm 1993, Rothblatt đã niêm yết công ty Sirius trên sàn chứng khoán và nhanh chóng chuyển sang một dự án kinh doanh mới mang tên United Therapeutics vào năm 1996. Bà thành lập công ty này nhằm mục đích chữa chứng bệnh tăng áp động mạch phổi cho con gái 6 tuổi của mình.

Đây là một căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ tử vong cao. Hiện công ty đang bán 4 loại thuốc điều trị căn bệnh này, những loại thuốc này đều đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng. 

Thống kê ghi nhận rằng, các loại thuốc điều trị này đã cứu mạng con gái của Rothblatt và hàng nghìn người khác. Năm 1999, United Therapeutics đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện tại, United Therapeutics có vốn hóa thị trường gần 10 tỷ USD. 

Với tổng tài sản ước tính 670 triệu USD, Rothblatt xếp thứ 56 trong danh sách "Những người phụ nữ giàu có nhất nước Mỹ năm 2021” của Forbes và là một trong những người phụ nữ chuyển giới thành công nhất thế giới. 

Rothblatt chính là người đã định hướng hoạt động của công ty theo lĩnh vực cấy ghép nội tạng từ rất sớm. Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes năm 2018, bà cho biết: “Khi làm việc tại United Therapeutics, tôi đã gặp quá nhiều những bệnh nhân không may qua đời trong thời gian chờ ghép nội tạng.”

Rothblatt cho biết bà đã tìm cách để khắc phục những lá phổi thiếu tính ổn định được hiến tặng (chiếm đến 80% tổng số phổi) để dùng cho hoạt động cấy ghép trong khoảng thời gian đó. 

Một công ty con khác của United Therapeutics tên là Lung Biotechnology Public Benefit Corp., đã sử dụng liệu pháp truyền dịch phổi ex vivo để truyền chất dinh dưỡng vào phổi, tối ưu hóa khả năng tồn tại của phổi nhằm phục vụ cho hoạt động cấy ghép. 

Vào năm 2015, United Therapeutics cũng đã hợp tác với Mayo Clinic để vận hành một trung tâm phục hồi. Rothblatt chia sẻ: “Đó là bước đệm đầu tiên để tôi có thể tiến đến gần hơn với mơ ước của mình - cung cấp nguồn nội tạng cấy ghép không giới hạn.”

Để làm được điều đó, trong nhiều năm qua, United Therapeutics đã thực hiện hoạt động nhân bản lợn với số lượng lớn nhất trên thế giới. Vào tháng 10 năm ngoái, công ty của bà đã trở nên nổi tiếng khi các bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện NYU Langone Health (thành phố New York) đã thành công cấy ghép dị chủng (xenotransplant) quả thận lợn đã được biến đổi gen do công ty bà cung cấp cho một người bị chết não. Trước đây, việc cấy ghép dị chủng thường không thành công và gây nhiều tranh cãi.

Vào thời điểm đó, Rothblatt cho biết cuộc phẫu thuật này “là một bước tiến quan trọng về cấy ghép dị chủng. Phương pháp này sẽ cứu sống hàng nghìn người mỗi năm trong tương lai không xa.”

Vào năm 2018, Rothblatt cho biết trong các cơ quan nội tạng của lợn có mười loại gen mà cơ thể con người thường đào thải. Công ty của bà đã tìm cách loại bỏ hoàn toàn các gen đó khỏi các cơ quan của lợn hoặc thay thế các gen đó bằng các loại gen đã được "nhân hóa".

Cuộc phẫu thuật trong tuần vừa qua đã khẳng định với cộng đồng y tế rằng cấy ghép dị chủng có thể được sử dụng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu sản xuất nội tạng trong tương lai. UMMC cho biết người được ghép tim là ông David Bennett bị mắc bệnh tim giai đoạn cuối. Ông được chẩn đoán là không đủ điều kiện để cấy ghép tim theo hình thức thông thường nên đã được tiến hành thủ thuật cấy ghép tim biến đổi gen vào ngày 7/1 vừa qua.

Ông Bartley Griffith, Bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho biết: “Đây là ca phẫu thuật đột phá, đưa chúng tôi tiến thêm một bước nữa trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng vì thiếu nội tạng. Số tim được hiến tặng luôn quá ít so với số người nhận.”

Kể từ khi công bố tin này, cổ phiếu của United Therapeutics đã tăng giá 7,9%. Rothblatt hiện đang sở hữu gần 1,5% cổ phần của United Therapeutics với giá trị khoảng 140 triệu USD. Ngoài ra, bà còn nắm giữ quyền chọn mua cổ phần của công ty có trị giá khoảng 200 triệu USD.

Bà cũng tham gia vào hoạt động phát triển máy bay trực thăng chạy bằng điện. Là một người theo chủ nghĩa siêu nhân học, bà cũng có những thử nghiệm với việc phát triển rô bốt. 

Năm 2004, Rothblatt đồng sáng lập phong trào Terasem - đây là một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu công nghệ nano nhằm kéo dài tuổi thọ con người. Thông qua tổ chức này, bà khuyến khích mọi người hãy “tạo bản sao lưu kỹ thuật số” của bộ não, với hi vọng một ngày nào đó sẽ tạo được những người song trùng (người giống hệt so với bản thể gốc) do máy móc điều khiển.