Masan muốn thu 22 USD từ mỗi người Việt trong năm 2019

Trần Anh - 10:11, 26/04/2019

TheLEADERTập đoàn Masan kỳ vọng tới năm 2020, chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm của tập đoàn sẽ đạt mốc 100 USD

Masan muốn thu 22 USD từ mỗi người Việt trong năm 2019
Các sản phẩm của Masan đang phủ khắp gian bếp người Việt

Tại Đại hội cổ đông mới đây, Tập đoàn Masan (Masan) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ 45.000 – 50.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 18 – 31%. Phần lớn sản phẩm của Masan được tiêu thụ trong nước, do đó mục tiêu doanh thu này tương đương với việc mỗi người tiêu dùng Việt sẽ đóng góp khoảng 22 USD cho Masan trong năm nay.

Kỳ vọng của Ban lãnh đạo Masan là tới năm 2020, chi tiêu hàng năm của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm của hãng sẽ đạt mốc hơn 100 USD. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở hàng tiêu dùng và thịt mát, tài chính. Khi đó, doanh thu của Masan có thể đạt được khoảng 9-10 tỉ USD doanh thu.

Tăng trưởng của doanh thu là cơ sở để Masan dự kiến lợi nhuận thuần sau thuế trong năm 2019 đạt từ 5.000 tỷ đồng đến 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 44% lên 58% so với năm ngoái.

Trong tương lai dài hạn tới năm 2022, ban lãnh đạo Masan cho biết hai mảnh ghép chiến lược tiếp theo là sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình và bán lẻ. Ban lãnh đạo kỳ vọng công ty trong tương lai là hệ sinh thái tiêu dùng độc nhất với các mảng thức ăn – đồ uống, thực phẩm tươi sống, tài chính, năng lượng, y tế, thông tin liên lạc, giáo dục... 

Để thực hiện kế hoạch này, các cổ đông Masan đã thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm nay. Đồng thời Hội đồng quản trị và Ban kiểm sát của tập đoàn không nhận thù lao.

Trước đó, năm 2018 doanh thu thuần của Masan đạt 38.188 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt 3.478 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2017. Biên lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh chính đạt mức 9,1% vào năm 2018 so với 5,9% năm 2017.

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao, song kết quả đạt được trong quý 1 của Masan chưa thực sự khả quan. Doanh thu thuần quý I đạt 8.160 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2018.

Trong đó, Masan Consumer Holdings, đơn vị kinh doanh các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh như nước tương, nước chấm, tương ớt, mỳ gói... đạt 3.780 tỷ đồng, tăng 5,4%. Masan Cosumer tăng trưởng nhờ chiến lược cao cấp hoá bắt đầu gặt hái thành quả. Ngành hàng đồ uống, với sản phẩm nước đóng chai và nước tăng lực thương hiệu Wake-up 247 tiếp tục đà tăng trưởng 2 chữ số.

Masan Nutri-Science, đơn vị phân phối thức ăn chăn nuôi và mới đây là thịt mát đạt 3.192 tỷ đồng, giảm 0,3%. Doanh thu thuần của thức ăn chăn nuôi giảm 1,6%, do dịch tả lợn châu Phi làm sụt giảm về sản lượng thức ăn chăn nuôi lợn dù được bù vào bởi tăng trưởng của thức ăn chăn nuôi cho thủy sản và gia cầm. 

Sản phẩm thịt mát MEATDeli đã đóng góp 20 tỷ đồng vào doanh thu thuần trong quý 1. Dù vậy, kể từ 12/4, do ảnh hưởng của dịch tả lợ Châu Phi, công ty đã ngừng cung cấp sản phẩm MEATDeli. Công ty cho biết, kế hoạch tài chính sẽ không bị ảnh hưởng do phần lớn mục tiêu doanh thu sẽ được thực hiện trong 2 quý cuối năm 2019.

Masan Resources, đơn vị khai mỏ Núi Pháo đạt 1.188 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý đầu năm, giảm 20%. Nguyên nhân là giá trung bình của vonfram thấp hơn 17% so với cùng kỳ 2018 và và do hàm lượng khai thác tinh quặng thấp hơn. Lãi thuần của Masan Resource chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái.