MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng trong diện tái cơ cấu

Trần Anh - 15:04, 06/04/2022

TheLEADERNhà băng kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án này, mở ra cơ hội tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới.

MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng trong diện tái cơ cấu

Ngân hàng Quân Đội (MB) vừa trình đại hội cổ đông xem xét phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên, MB cho biết, nhà băng đã tìm kiếm và nghiên cứu cơ hội tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng và hỗ trợ đối với một số quỹ tín dụng nhân dân.

Việc này được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như giúp MB tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.

4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Đầu tháng 2 năm nay, Thủ tướng cũng thúc giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.

MB cho biết đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban triển khai đề án để đánh giá tính khả thi, hiệu quả của phương án tái cơ cấu tổ chức tín dụng và phối hợp các cơ quan thực hiện thủ tục theo quy định.

Do đó, Hội đồng quản trị MB sẽ trình đại hội cổ đông (diễn ra ngày 25/4) xem xét thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Nhà băng kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án này, mở ra cơ hội tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank ngày 15/1, hai lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) gồm Đại tá Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành - Giám đốc khối CIB MB đã tham dự.

Phát biểu tại hội nghị của OceanBank, ông Lưu Trung Thái cho biết: “Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB. Theo lộ trình của NHNN mà Chính phủ đã cho phép, MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra, hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. Theo sự chỉ đạo của NHNN, MB sẽ thảo luận cùng lãnh đạo OceanBank thiết kế chương trình phù hợp cho OceanBank, trong đó cốt lõi là cách thức làm việc trong tương lai”.

Sự xuất hiện của lãnh đạo MB làm dấy lên thông tin ngân hàng này sẽ tham gia hỗ trợ/sáp nhập OceanBank. Đánh giá về thông tin này, chuyên gia phân tích SSI Research cho hay, mặc dù thông tin về thương vụ chưa được xác thực, song đây không phải thông tin tác động tiêu cực cho MB.

Năm 2022, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% lên 20.300 tỷ đồng. Còn với kịch bản kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, lợi nhuận mục tiêu tăng trưởng 15% lên 19.000 tỷ).

Tại đại hội sắp tới, MB cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng, bao gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phương án tăng vốn đã được phê duyệt trước đó.

Cụ thể, MB muốn phát hành 755,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Cổ phiếu phổ thông phát hành cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.

Ngân hàng cũng dự kiến chào bán riêng lẻ thêm 65 triệu cổ phần phổ thông cho nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính, có năng lực kinh doanh, công nghệ, có thể hợp tác phát triển các hoạt động kinh doanh phù hợp chiến lược của MB.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892 tỷ đồng đã được đại hội cổ đông thông qua năm 2021, gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho Viettel, phát hành hơn 19 triệu cổ phiếu ESOP.