Mỗi năm cần khoảng 13 tỷ USD để phát triển nguồn điện

Nguyễn Cảnh - 09:17, 10/10/2022

TheLEADERTheo Bộ Công thương, tổng vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện từ nay đến 2030 khoảng 90 -128 tỷ USD.

Mỗi năm cần khoảng 13 tỷ USD để phát triển nguồn điện
Phát triển nguồn điện đang cần lượng vốn rất lớn. Ảnh minh họa

Bộ Công thương vừa cập nhật, rà soát, tính toán phương án phát triển nguồn và lưới điện với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đáp ứng các mục tiêu dài hạn của quốc gia.

Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 106 - 144 tỷ USD. Cụ thể, vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 90 -128 tỷ USD (khoảng 9 - 13 tỷ USD mỗi năm), phục vụ lưới điện truyền tải khoảng 15 - 16 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,5 - 1,6 tỷ USD).

Giá điện bình quân (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ 7,9 Uscent/kWh (khoảng 1.800 đồng/số điện) vào năm 2020 lên mức 8,4-9,4 Uscent/kWh (1.900-2.200 đồng/số điện) vào năm 2030. Ước tính giai đoạn 2031-2050, giá điện bình quân sẽ trong khoảng 10,8-11,4 Uscent/kWh.

Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá điện của Việt Nam tương đối thấp. Kể cả vào năm 2030, giá điện (ở mức 8,4-9,4 Uscent/kWh) của Việt Nam vẫn thấp hơn giá điện hiện tại của Indonesia và Thái Lan.

Được biết, giá điện bình quân một số nước trên thế giới (Uscent/kWh) như sau: Malaysia (gần 7), Indonesia (khoảng 10), Thái Lan (gần 10,8), Trung Quốc (khoảng 8,5), Ấn Độ (khoảng 9,2), Nhật Bản (khoảng 21), Anh (khoảng 26), Đức (khoảng 32)…

Nêu trong Tờ trình gửi Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công thương cũng đưa ra nhận định dự báo về giá điện năng lượng tái tạo.

Theo đó, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, giá điện gió, điện mặt trời đang giảm nhanh và sẽ tiếp tục giảm trong những năm sắp tới.

Dự báo, giá điện gió trên bờ sẽ giảm từ 7,74 Uscent/kWh giai đoạn trước 2025 xuống còn 6,35 UScent/kWh trước 2030 và 5,72 UScent/kWh sau năm 2040. Giá điện gió ngoài khơi có thể giảm từ 11 UScent/kWh hiện tại xuống mức 9 Uscent/kWh trước 2030 và 6 Uscent/kWh sau 2040.

Tương tự, giá điện mặt trời sẽ giảm xuống mức 5-6 UScent/kWh trước 2030 và 4,8 UScent/kWh sau 2040. Thậm chí một số dự báo cho thấy giá các loại hình năng lượng tái tạo có thể giảm nhanh hơn nữa.

Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt Quy hoạch điện VIII với cơ cấu nguồn rất chi tiết. 

Trong đó, đáng chú ý một số nội dung như: Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.500-146.400MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm từ 18-23%). Đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ chiếm vào khoảng 50-56% tổng công suất các nhà máy điện.