Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam

Trần Anh - 17:31, 18/03/2021

TheLEADERMoody’s cho biết, yếu tố thay đổi triển vọng tín nhiệm sang tích cực đến từ việc cải thiện sức mạnh tài khóa và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển của sản xuất, thương mại và tiêu dùng toàn cầu sau tác động từ đại dịch Covid-19.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's mới công bố duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 và thay đổi triển vọng từ "tiêu cực" thành "tích cực".

Trước đó, hồi tháng 12/2019, tổ chức này đã thay xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức tiêu cực do lo ngại liên quan đến việc trì hoãn nghĩa vụ nợ gián tiếp. Sau đó, Moody's thông tin rằng rủi ro đã giảm bớt sau khi Chính phủ tăng cường giám sát nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.

Lần này, Moody’s cho biết, yếu tố thay đổi triển vọng sang tích cực đến từ việc cải thiện sức mạnh tài khóa và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc củng cố chính sách tài khóa bền vững hơn giúp Việt Nam cải thiện các chỉ số tài chính và nợ. 

Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có thể được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển của sản xuất, thương mại và tiêu dùng toàn cầu sau tác động từ đại dịch Covid-19.

Dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục 89 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2020 giúp tỷ giá được duy trì ổn định, cùng với đó là các chính sách hấp dẫn dòng vốn FDI đến Việt Nam.

Việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước cũng như thương mại xuyên quốc gia, hỗ trợ thu thuế. Trong dài hạn, Chính phủ đặt mục tiêu cải thiện việc thu thuế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp số, doanh nghiệp khu vực phi chính thức.

Tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ năm 2010, đặc biệt được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại lớn như RCEP, CPTPP, EVFTA... Trong bối cảnh các doanh nghiệp đặt mục tiêu đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI nhờ chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.

Điều này sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam với các sản phẩm như giày dép, hàng may mặc so với các nhà sản xuất lớn khác, đồng thời trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ khu vực với điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử. Hội nhập thương mại cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần của Việt Nam.

Các tín hiệu trên cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng, điển hình là khả năng tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hưởng lợi từ việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở chiều ngược lại, Moody’s cũng nhấn mạnh một số vấn đề vẫn còn tồn đọng, như tính minh bạch của nhóm doanh nghiệp nhà nước cũng như rủi ro kéo dài trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù vậy, Moody's cho rằng việc hạ xếp hạng của Việt Nam sẽ khó xảy ra trong tương lai gần.