'Nếu vẫn để bộ máy cồng kềnh sẽ phát sinh tiêu cực, tham nhũng vặt'

Minh Anh - 10:04, 25/05/2019

TheLEADERTheo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.

'Nếu vẫn để bộ máy cồng kềnh sẽ phát sinh tiêu cực, tham nhũng vặt'
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh VGP

Quảng Ninh dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính

Theo kết quả được công bố tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018, chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Par Index 2018) được đánh giá ở 18 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Nhóm có chỉ số cao, đạt kết quả trên 80%, bao gồm 14 bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Ngoại giao, Khoa học và công nghệ, Nội vụ, Tài nguyên và môi trường, Lao động, Thương binh và xã hội, Giáo dục và đào tạo, Văn hoá thể thao và du lịch, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư. 

Nhóm thứ đạt kết quả thấp gồm Bộ Xây dựng, Thông tin truyền thông, Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Về chỉ số cải cách thủ tục hành chính của các tỉnh, thành phố, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả đạt 89,06%, cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là TP. Hà Nội đạt 83,98%.

Tỉnh Đồng Tháp đã có những cải thiện đáng kể, đạt 83,71/100 điểm, tăng 1,80 điểm so với năm 2017, đứng ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng tổng hợp và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Phú Yên là địa phương đứng cuối bảng với kết quả chỉ số đạt 69,53%.

Đối với chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (Sipas), tỉ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung là 82,99%; hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng 69,98 - 97,88%.

Tỉnh Sơn La dẫn đầu về chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, tiếp theo là Ninh Bình, Hưng Yên và Hà Tĩnh. Đứng cuối bảng là tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bình Định.

Bộ máy cồng kềnh là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Theo Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, năm 2018 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trong triển khai cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý với quyết tâm đưa Việt Nam vào nhóm Asean 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác cải cách hành chính, chưa thể hiện vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy cải cách, chưa tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. 

Cải cách cải cách hành chính vẫn còn tình trạng bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền; tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

“Việc giải quyết thủ tục hành chính phải nhanh gọn, với các quy định cụ thể như nhận hồ sơ bao nhiêu ngày thì phải trả cho dân, trễ hẹn phải xin lỗi và giải thích lý do vì sao. Nếu vẫn để bộ máy cồng kềnh, qua nhiều khâu trung gian thì đây chính là nguyên nhân phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, kể cả tham nhũng vặt, tồn tại cơ chế xin - cho, tình trạng chạy dự án, cò dự án vẫn còn”, ông Bình nhấn mạnh.

Để tạo bứt phá trong hoạt động cải cách hành chính, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và từng thành viên tập trung thực hiện các nhiệm vụ.

Thứ nhất, tiếp tục chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. 

Trong đó, cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra chuyên ngành.

Thứ hai, tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, phản ánh về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của các thủ tục hành chính đã ban hành. 

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương. Nghiên cứu, bổ sung đánh giá về chi phí không chính thức, góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thứ tư, chủ động tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện đúng và trúng những vấn đề đang là nút thắt, rào cản, đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, trong đó tập trung giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh để lan tỏa tinh thần cải cách, tạo động lực mới tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng phát triển đất nước.