Ngẫm về Tết xưa trước thềm kỷ nguyên 4.0

Phan Thanh Sơn* - 09:31, 31/01/2020

TheLEADERNhịp độ sống ngày càng cao khiến phần tự nhiên của con người, phần tinh thần hình như bị mất đồng bộ, không thể đồng hành kịp với nhịp độ sống.

Tôi là một người con xứ Huế. Ba tôi là người sinh ra và lớn lên ở Phú Vang rồi chuyển về gần bến đò chợ Dinh nhìn qua cồn Hến. Mẹ tôi thì ra đời tại làng Nghi Giang tít ngoài lưỡi cát bên kia đầm Cầu Hai. Cả hai ông bà theo sự xoay vần của lịch sử tập kết ra Bắc rồi qua Quế Lâm, Trung Quốc, cả Liên Xô để học tập. Họ gặp nhau lại ở Hà Nội và cưới nhau. Cả tôi và chị tôi đều sinh ra ở Hà Nội. Tôi đón những cái Tết Hà Nội cho đến năm 1978 sau khi mẹ tôi đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô về thì cả nhà theo dòng người xa xứ trở lại quê hương xây dựng cuộc sống mới sau hàng năm đằng đẵng qua các xứ người.

Mười năm ở Huế là cả tuổi thơ của tôi gắn liền với sông Hương, núi Ngự, với những cái Tết trời vừa lạnh, vừa mưa, may mắn thì có vài ngày nắng để đi chơi Tết. Hai năm đầu đại học xa nhà tôi ngấm được nỗi nhớ nhà, mong được về Tết dù những chuyến tàu có dài hằng hai ngày trời.

Suốt hơn 30 năm qua tôi lại xa quê vào sinh sống ở Sài Gòn, từng cái Tết trôi nhanh đi theo sự phát triển của một thành phố năng động, của một đất nước chuyển mình qua mỗi năm. Càng về sau không thể nhớ hết được Tết năm ngoái mình làm gì; không nghĩ ra Tết năm nay đi đâu đây … Lại chợt nhớ về những cái Tết xưa khi cuộc sống chậm hơn, sâu hơn… khi gặp nhau cười cười, nói nói kể từng kỷ niệm của những cái Xuân năm nào.

Hương vị những cái Tết đầu tiên tôi còn nhớ là những hộp mứt tiêu chuẩn thời bao cấp bên trong là kẹo trứng chim giòn giòn, mứt bí ngọt lịm mà tôi chưa bao giờ thích, mứt cà rốt mềm ngậy, rồi cả tiếng cùng hương pháo râm ran thoang thoảng mà tôi thèm được nghe và hít hà lại như tuổi còn thơ. 

Ngoài vài bánh pháo Hà Sơn Bình tiêu chuẩn dùng để đón giao thừa ông ngoại lại tháo rời từng bánh còn lại chia cho lũ cháu nội ngoại mang đi đốt lẻ. Thôi thì đốt chậm (tháo bớt thuốc ngòi mồi), đốt ném, đốt lon cho cái lon tung lên trời … cho đến cầm cho nổ trên đầu ngón tay mà thường để lại một vệt thuốc pháo xám đen cùng mùi đặc trưng của pháo đến mấy ngày mới hết. Pháo ngoài Bắc hồi đó làm đúng tiêu chuẩn an toàn nên lũ trẻ chúng tôi nghịch đủ trò nhưng không thấy đứa nào bị sao chỉ nghe mấy đứa nghịch dại với pháo đùng thì mới có tai nạn.

Ngẫm về Tết xưa trước thềm kỷ nguyên 4.0
Tái hiện không gian Tết xưa ở một khu đô thị

Có lẽ những cái Tết để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất là 10 cái Tết ở Huế, ở nơi tôi ngờ ngợ bước về lúc mới 8 tuổi và lưu luyến rời xa khi 18, vừa bắt đầu cảm nhận được sự gắn bó với quê Hương. Những năm cuối 70, 80 đó là những năm đất nước oằn mình sau chiến tranh vá lại những vết thương cả thể xác và tinh thần trong hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn. Nỗi lo toan hằn lên khuôn mặt, đi vào từng giấc ngủ của những người làm cha làm mẹ.

Gì thì gì đến Tết lại vui như Tết, nhà nào ít nhiều cũng chuẩn bị rộn ràng sắm Tết. Mẹ tôi đi hết các cửa hàng, chợ để gom đủ các nguyên liệu cho Tết từ các phiếu tiêu chuẩn cho tới những món chọn được ngoài chợ. Ba mẹ tôi cũng chịu khó đi thăm biếu quà bà con và người quen ngày Tết, quà cũng chả có nhiều nhặn gì ngoài chai nước mắm ngon và thêm chút mứt, bánh. Đi theo ba mẹ biếu quà tôi lại được biết thêm các mối quan hệ, các hoàn cảnh từng gia đình, khác nhiều nhưng ai cũng vui như Tết …

Cơ quan ba tôi thường Tết nào cũng cố mua được một con bò để xả thịt chia làm quà cho cả cơ quan, phần linh tinh thì thường làm một buổi tiệc tất niên cả cơ quan, các phần được chia đều và xoay tua qua các năm để ai cũng có được miếng ngon. Có lẽ vì ba tôi là giám đốc nên cơ quan lúc nào cũng để phần cho nhà tôi cái đầu. Lúc đầu nhìn cũng sợ nhưng mấy năm rồi quen, cái đầu thịt thì ít nhưng nấu thì rất lợi vì không hiểu sao hầm mãi nước vẫn cứ ngọt, tôi thì lại có mấy cái sừng thử làm tù và thổi chơi.

Cả nhà cứ như một thói quen đến Tết lại gói rất nhiều bánh chưng, cả nhà la liệt như một cái công xưởng, ba mượn được cái nồi của bếp tập thể rồi kê mấy chồng gạch ngay trong bếp, tiếng củi cháy tý tách suốt đêm, để ép nước ba phải tháo một cánh của gỗ ra đằn lên các dãy bánh chắc nịch nóng hổi, bánh để dành ăn và biếu đến ra Giêng mới hết. Tôi và chị tôi thì thường phụ trách đổ bánh thuẫn bằng bột bình tinh hay bánh trái tim bằng bột mì thêm chút trứng sữa. Tôi thích nhất món này vì vừa làm vừa ăn mép bánh cắt ra và các bánh bị sém.

Từ mùng Một chúng tôi lúc thì cùng ba mẹ tiếp khách hoặc đến chúc Tết nhà ai đó, lúc thì hẹn với các bạn cùng lớp đi thăm thầy cô hay lại kéo nhau lên núi Thiên An, chùa Linh Mụ … để cảm nhận một cái gì đó mà chúng tôi chưa thể lý giải lúc đó. Và cứ mỗi Tết qua đi một sợi dây vô hình gắn bó tôi hơn với gia đình, với bạn bè, với bà con, với quê hương …

Mười năm trôi đi tôi và chị tôi bắt đầu phải đi học xa nhà, tuổi trẻ được tự do, đi xa ban đầu cũng rất vui nhưng đến Tết lại bồn chồn đếm từng ngày để được về Tết, được lại cùng ba mẹ gói bánh chưng, được gặp lũ bạn cũ, được đạp xe đạp lòng vòng qua những góc của một nơi gọi là quê hương. Một cảm giác về nhà hình thành trong mỗi chúng tôi mà tôi cảm nhận được trong từng ánh mắt của những người xa quê về ăn Tết trên những chuyến tàu Bắc Nam xập xình.

Ngẫm về Tết xưa trước thềm kỷ nguyên 4.0 1
Ảnh gia đình tác giả vào dịp Tết 30 năm trước

Những năm đầu 90 tôi bắt đầu làm quen với Tết mới, Tết Sài Gòn. Nhà nhỏ quá nên mẹ không gói bánh nữa mà làm tôm chua. Mẹ làm cũng hình như là một cách để thỏa nỗi nhớ quê hương, nhớ Tết quê xứ Huế của mẹ. Tôm chua mẹ làm rất ngon mãi đến giờ các bà con, người quen vẫn nhắc mãi cứ Tết đến lại được tặng dù mẹ đã đi xa 10 năm rồi. Thỉnh thoảng tờ mờ sáng tôi lại cùng mẹ ra chợ Cầu Muối để sắm cửa đồ Tết cho tươi ngon và rẻ, người mua kẻ bán người khuân vác tấp nập nhưng rất vui và tình cảm. Cũng có lẽ vì thế cho tới giờ tôi rất thích thăm các chợ những nơi tôi đến, để tìm một cảm giác xưa hay một cái gì đó quen quen …

Rồi tôi có gia đình nhỏ của mình, thỉnh thoảng lại ra Huế ăn Tết, đi chạp họ, thăm mộ ba mẹ tôi, thăm bà con, bạn bè và để cho hai đứa nhỏ dần dần biết đến quê hương, đến cái Tết mộc mạc nhưng đậm hương sắc của xứ Huế. Có năm chúng tôi lại chọn một nơi nào đó đi xả hơi sau một năm bận rộn, căng thẳng với công việc, cũng tranh thủ sắm sửa để đưa ông Táo lên trời, cúng đón ông bà và bàn thờ tổ tiên, trời đất đêm 30 trước khi khởi hành. Xen kẽ mấy năm đón Tết ở Sài Gòn, trời nóng và tiệc tùng, bia rượu liên tục nên người cứ đờ ra sau mỗi dịp Tết.

Từ lâu tôi có một ước mơ là được đưa gia đình đi dọc các vùng miền ở Việt Nam, mãi đến Tết 2015 sau khi quyết định tạm dừng công việc thường xuyên một thời gian để làm những việc trong danh sách “bucket list” của mình tôi mới thực hiện được một nửa việc đó. Từ sáng mùng Một đến 10 Tết cả nhà đi dọc theo Quốc lộ 1A ra đến Huế, rồi từ Huế vòng lên Komtum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Bình Phước và về lại Sài Gòn.

Được ăn Tết dọc các miền đất nước, được gặp gỡ bà con bạn bè ở trên dọc đường đi, được cảm nhận tình cảm của người Việt ngày Tết, được hòa vào thiên nhiên thật là một trải nghiệm khó tả cho tôi và gia đình. Tôi và bà xã cũng đã có chút trải nghiệp mùa Tết ở vùng Mộc Châu phía Bắc với những hương vị rất riêng, chắc một dịp nào tới tôi cũng sẽ thuyết phục gia đình đi đón Tết ở dọc từ miền Trung ra Bắc để thêm những trải nghiệm ngày Tết Việt mới.

50 tuổi đời nhìn lại thấy cuộc sống thay đổi ngày càng nhanh ngay cả những ngày Tết với nhiều được mất. Công nghệ, kỹ thuật đã tạo ra cho con người nhiều tiện nghi, dịch vụ mà thoạt đầu chỉ thấy mặt tích cực của nó. Nào điện thoại thông minh, mạng xã hội, youtube, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, … đã làm con người có thể sống nhanh hơn, rộng hơn, đa nhân cách hơn, tự do hơn, ảo hơn … nhưng có một chiều có lẽ công nghệ chưa thể thay thế được đó là chiều sâu.

Thiên nhiên tạo hóa tạo ra muôn loài trong đó có con người có lẽ đã thiết kế mỗi cá thể, mỗi tập thể, mỗi xã hội, mỗi loài đường như cần theo một công thức cân bằng nào đó để bền vững về cả vật chất và tinh thần. Không phải ai cũng biết từ đầu hay hệ thống xã hội nào cũng trang bị từ sớm cho mỗi thành viên sự nhận thức này.

Có lần tôi xem một cuốn phim tài liệu về ẩm thực, đoạn về ẩm thực Nhật bản người dẫn chương trình giải thích lý do vì sao các món ăn Nhật được chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ về cả chế biến và trình bày. Ông nói người Nhật rất trân trọng từng giây phút của cuộc sống nên từng món ăn của họ đều chứa đựng trong đó việc “sống” của người chế biến và việc “sống” của người thưởng thức. Từ đó ngẫm lại những trải nghiệm trong công việc và cá nhân với người Nhật và văn hóa Nhật tôi thấy rất đúng.

Với thế hệ trẻ sau này như các con tôi và đôi khi cả chính tôi lúc còn ham công tiếc việc, nhịp độ sống ngày càng cao khiến phần tự nhiên của con người, phần tinh thần hình như bị mất đồng bộ, không thể đồng hành kịp với nhịp độ sống. Thỉnh thoảng Facebook nhắc ngày này mấy năm trước tôi và gia đình làm gì nhiều khi giật mình ngạc nhiên vì không hề nhớ.

Trong ngôn ngữ chuyên môn lúc cao hứng người IT chúng tôi hay nói “Internet là bộ nhớ mở rộng của con người”, và thật thú vị Internet, Facebook, Youtube, … cũng đã dần trở thành nơi lưu giữ ký ức hộ cho con người, nhờ AI đôi khi còn cảm xúc hộ cho chúng ta ... Cũng thú vị đấy, nhưng nhớ lại những người thế hệ trước không có Internet họ lưu giữ ký ức như thế nào mà gặp nhau chuyện trò như pháo ran về những chuyện mấy chục năm trước và thấy tràn lên trong họ một niều vui và hạnh phúc khó tả.

Chúng ta đang nói nhiều đến Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã, đang và sẽ làm thay đổi rõ rệt hơn bao giờ hết xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường, văn hóa, quốc gia, doanh nghiệp/tổ chức và từng cá nhân. Có ba làn sóng chuyển đổi số lớn là Chính phủ số, Thành phố thông minh, Công nghiệp/Doanh nghiệp thông minh và Công dân số. Mỗi cá nhân, tổ chức/doanh nghiệp, quốc gia có nhiều cách khác nhau để bắt nhịp các con sóng này.

Tôi rất thích định nghĩa về Thành phố thông minh – bền vững của tổ chức ITU-T: “Một thành phố thông minh bền vững là một thành phố có tính cách tân sử dụng các công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động - dịch vụ đô thị, tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa”.

Từ đó ta có thể liên hệ ra cách hành xử tương tự cho các làn sóng chuyển đổi số khác, nhất là Công nghiệp thông minh/Doanh nghiệp thông minh để làm sao “nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động, tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa”.

Để làm được sự cân bằng giữa “hiện tại” và “tương lai”, giữa “kinh tế”, “xã hội”, “môi trường” và “văn hóa” không phải là việc dễ làm nhưng là việc nên làm với những doanh nghiệp có tầm nhìn xa và có “đạo đức kinh doanh” cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của chính phủ, chính quyền.

Trong các sứ mệnh, tầm nhìn và hành động ngoài kinh tế, xã hội cần cân nhắc làm sao cho sản phẩm, dịch vụ, văn hóa của doanh nghiệp/tổ chức của mình ảnh hưởng tích cực, bền vững như thế nào với môi trường thiên nhiên và văn hóa chung. Về phía doanh nghiệp chúng ta đang nói đến ba trọng tâm là Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh và Kinh tế số rõ ràng để đạt mục tiêu kinh tế, xã hội thôi thì bài toán sẽ dễ giải “nhanh” hơn.

Đặt thêm trục “môi trường”, “văn hóa”, “hiện tại”, “tương lai” vào tôi tin là các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cảm thấy thách thức nhưng thú vị và ý nghĩa hơn gấp bội nhất là những lãnh đạo, những doanh nghiệp đàn anh đang gần ở đỉnh tháp Maslow của doanh nghiệp/tổ chức cần đặt cho mình một sứ mệnh cao cả hơn như một quy luật.

Cũng như Tết vậy, có xưa có nay, có người có thiên nhiên, có vật chất có tinh thần, có cá nhân có xã hội, có thực tại có quá trình, Tết mới đủ đầy được.

*Bài viết thể hiện quan điểm tác giả Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh kiêm Giám đốc công nghệ của Hệ thống thông tin FPT (FIS), chi nhánh SI thuộc Tập đoàn FPT.