Ngân hàng Quốc Dân sắp đổi nhận diện thương hiệu sau 4 năm

Trần Anh - 18:40, 22/02/2019

TheLEADERNCB quyết định chi gần 100 tỷ để đổi nhận diện thương hiệu nhằm đem lại trải nghiệm mới lạ và thu hút đối tượng khách hàng riêng trong một phân khúc thị trường mới.

Tài liệu về đợt chào bán cổ phần sắp tới của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cho biết, một trong những mục đích sử dụng vốn là đầu tư thay đổi và xây dựng hình ảnh thương hiệu cho ngân hàng. Tổng số tiền cho mục đích này gần 100 tỷ đồng bao gồm trong đó chi phí biển hiệu, thiết kế hình ảnh (30 tỷ) và chi phí PR marketing nhận diện thương hiệu (30 tỷ).

Ngân hàng cho biết sẽ thay đổi đồng bộ bộ nhận diện thương hiệu, định vị NCB là ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại. Toàn bộ hình ảnh và nội thất tại các chi nhánh và PGD sẽ được tái thiết kế nhằm tạo nên sự khác biệt cho NCB trên thị trường.

Sau khi đợt tăng vốn thành công, NCB sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch thay đổi nhận diện thương hiệu từ quý 2 và dự kiến hoàn thành trên toàn hệ thống vào quý 4 năm nay.

Thương hiệu NCB ra đời năm 2014 sau khi ngân hàng Nam Việt được đổi tên thành ngân hàng Quốc Dân trong quá trình tái cấu trúc cổ đông của ngân hàng với sự xuất hiện của tập đoàn Gami.

Trong 5 năm tái cơ cấu, ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Cuối cùng, ngân hàng quyết định tăng vốn từ 3.000 tỷ lên gần 5.000 tỷ đồng bằng việc chào bán phần lớn cổ phần cho các các cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/ cổ phần. Mức giá này cao hơn giá đang giao dịch trên thị trường của cổ phiếu NVB (8.800 đồng – ngày 22/2).

Ngoài mục đích đầu tư thay đổi nhận diện thương hiệu, số vốn huy động được sử dụng phần lớn vào mục đích bổ sung nguồn vốn tự có để cho vay trung và dài hạn (khoảng 1.644 tỷ đồng).

Ngân hàng cho biết, hiện tại có nhiều dự án kinh doanh hiệu quả, các khách hàng truyền thống của NCB đang cần vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, mở rộng xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng trên địa bàn Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Vũng Tàu… Trong khi nguồn vốn huy động trung và dài hạn của NCB có tỷ lệ thấp trong tổng nguồn vốn, do đó ngân hàng sẽ dành phần lớn số vốn trong đợt huy động này từ các cổ đông để đầu tư cho các dự án trung và dài hạn.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến bổ sung thêm 100 tỷ đồng cho công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản NCB và 150 tỷ đồng khác để đầu tư cơ sở vật chất công nghệ.

Theo báo cáo tài chính gần nhất, NCB có tổng tài sản hơn 72.431 tỷ đồng, trong đó cho vay khác hàng khoảng 35.674 tỷ đồng và chứng khoán đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. Khoảng 11.066 tỷ đồng khác được ngân hàng ghi nhận trong mục tài sản có khác chủ yếu bao gồm các khoản phải thu từ các công ty mua bán nợ (mua lại nợ xấu từ NCB), lãi và phí phải thu của các khoản cho vay.

Ngân hàng hiện đang huy động hơn 47.148 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng và 9.184 tỷ đồng khác thông qua việc phát hành các giấy tờ có giá.

Năm 2018, NCB báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt trên 90 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2017. Kết quả này đến từ việc ngân hàng giảm trích lập dự phòng theo quy định của đề án tái cấu trúc ngân hàng từ 173 tỷ năm 2017 xuống còn 72 tỷ năm 2018.

Trên thực tế lợi nhuận hoạt động ngân hàng năm ngoái đã suy giảm 8,5% so với năm trước đó. Nguyên nhân là hoạt động cốt lõi của ngân hàng giảm thu nhập 12% và ngân hàng chịu lỗ trong mua bán chứng khoán đầu tư 22 tỷ đồng.