Cho vay lĩnh vực ô tô của ngân hàng Quốc Dân tăng mạnh

Trần Anh - 13:44, 17/10/2018

TheLEADERTrong những năm qua, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực ô tô của tập đoàn Gami đã thế chấp hàng trăm lượt xe ô tô tại ngân hàng Quốc Dân (NCB).

Tại Đại hội cổ đông thường niên ngân hàng Navibank năm 2013, ông Đặng Thành Tâm và các thành viên khác từ nhiệm khỏi Hội đồng quản trị của ngân hàng. Navibank sau đó tập trung “tái cấu trúc cổ đông” theo đề án được cơ quan nhà nước phê duyệt. Đến đầu năm 2014, Navibank chính thức đổi tên thành NHTMCP Quốc dân (NCB).

Trong 4 năm trước đó, ngân hàng Quốc Dân chủ yếu được điều hành bởi bà Trần Hải Anh, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà Hải Anh đang sở hữu trực tiếp hơn 4% cổ phần của NCB.

Tập đoàn Gami hoạt động đa lĩnh vực, từ thương mại, thực phẩm tới bất động sản. Nhưng vai trò nổi bật nhất là nhà phân phối và cho thuê ô tô tại Việt Nam.

Các công ty con của tập đoàn này như An Du, An Dân phân phối ô tô của các thương hiệu nổi tiếng như Mercedes Benz, Mitsubishi, Ford, Kia. Trong khi đó, Công ty An Hòa Phát của Gami chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe, nhượng quyền thương hiệu quốc tế Avis.

Các công ty này đều trở thành khách hàng thường xuyên của NCB kể từ khi ngân hàng được điều hành bởi nhóm cổ cổ đông mới. Với đặc thù kinh doanh ô tô, trong các năm qua những công ty này liên tục thế chấp hàng trăm lượt xe các loại tại NCB để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.

Cụ thể, vào ngày 22/1, công ty An Dân thế chấp 11 chiếc xe Mitsubishi các loại tại ngân hàng Quốc Dân chi nhánh Hà Nội làm tài sản bảo đảm. Cũng tại chi nhánh này, công ty An Du, nhà phân phối xe Mercedes Benz đã thế chấp một lô gồm 4 xe Mercedes Benz vào ngày 24/11.

An Hòa Phát, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê xe, cũng có hoạt động thế chấp tài sản bảo đảm là các xe ô tô dày đặc với NCB trong vài năm qua. Ngoài NCB, công ty này còn thế chấp tài sản tại nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, TP Bank, MB Bank, VPBank.

Cùng với việc nhận thế chấp xe ô tô từ các công ty con của tập đoàn Gami. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy của NCB tăng mạnh trong vài năm qua. Từ mức 512 tỷ đồng cuối năm 2014, cho vay trong lĩnh vực này đã tăng gấp 3 lần lên 1.770 tỷ năm 2015. Đến cuối quý 2/2018, dư nợ của các khoản vay này đạt 2.228 tỷ đồng.

Ngân hàng Quốc Dân trở thành chỗ dựa tài chính cho tập đoàn Gami
Đơn vị: tỷ đồng

Ngoài ra, dư nợ cho vay tiêu dùng của hộ gia đình của NCB cũng tăng gần 4 lần từ năm 2014 đến giữa năm 2018, hiện đạt hơn 8.200 tỷ đồng. Thông thường các khoản vay cá nhân mua ô tô được các ngân hàng ghi nhận trong mục này.

Trở thành “chỗ dựa tài chính” cho các công ty kinh doanh trong lĩnh vực ô tô của tập đoàn Gami, song hoạt động tự tái cơ cấu của NCB lại chưa thành công như mong đợi. Đặc biệt trong việc xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ của ngân hàng.

Theo báo cáo của ngân hàng đến cuối tháng 6, NCB đang nắm giữ gần 6.500 tỷ đồng trái phiếu của công ty VAMC. Đây là số nợ xấu ngân hàng bán cho VAMC từ năm 2013, để nắm giữ các trái phiếu không có lãi suất.

Tuy nhiên, khác với nhiều ngân hàng tích cực dự phòng cho các trái phiếu này sau đó mua lại và xóa khỏi bảng cân đối tài sản, quy mô dự phòng của NCB hiện tại chỉ khoảng 90 tỷ đồng. Thực tế, trong các năm qua, NCB đã dành khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận để xử lý các tài sản có vấn đề theo đề án tái cấu trúc ngân hàng.

Ngoài việc bán nợ cho VAMC, trong các năm gần đây NCB thực hiện nhiều giao dịch với các công ty mua bán nợ khác. Tuy vậy thay vì nhận được tiền mặt từ các giao dịch này, ngân hàng phải ghi nhận hàng nghìn tỷ phải thu từ các công ty mua bán.

Các giao dịch này này khiến tổng giá trị các khoản phải thu của NCB tăng gấp 4 lần từ năm 2014 đến nay. Cộng thêm các khoản lãi, phí phải thu hàng nghìn tỷ đồng và tài sản có khác chờ phân bổ rất lớn, tổng giá trị các tài sản có khác của NCB hiện lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm 14% tổng tài sản của ngân hàng. Dù vậy, ngân hàng dự phòng rất ít cho khối tài sản phải thu này.

Trong khi việc xử lý nợ xấu chưa mang lại nhiều kết quả tích cực mà phần lớn chỉ “chuyển từ chỗ này sang chỗ khác” trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng, NCB vẫn chưa tăng được vốn chủ sở hữu để có thêm nguồn tiền thực chảy vào ngân hàng.

Ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn trong nhiều năm qua nhưng chưa thực hiện được. Tại ĐHCĐ đầu năm nay, NCB cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ. Kế hoạch tăng vốn này được kỳ vọng sẽ có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài, nhưng đến nay ngân hàng chưa có công bố thêm thông tin nào về kế hoạch này.