Ngân hàng Thế giới đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn

Bảo Anh - 15:24, 04/10/2017

TheLEADERBáo cáo dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ở mức khoảng 6,3% năm nay nhờ các ngành chế biến - chế tạo hướng đến xuất khẩu và cầu trong nước tăng mạnh.

Ngân hàng Thế giới đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn
WB dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ở mức khoảng 6,3% năm nay. Ảnh: Timeout

Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tháng 10/2017 vào ngày 4/10 tại Băng-cốc. Báo cáo nhận định triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực.

Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng, viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu và mức nội địa tiếp tục cải thiện đã tạo cơ sở cho thấy viễn cảnh tích cực tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương. 

Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh, giá hàng hóa nguyên vật liệu hồi phục nhẹ và thương mại toàn cầu hồi phục là những yếu tố tích cực từ bên ngoài giúp các nước đang phát triển trong khu vực đạt mức tăng trưởng 6,4% trong năm 2017.

Cụ thể, báo cáo dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ở mức khoảng 6,3% năm nay nhờ các ngành chế biến - chế tạo hướng đến xuất khẩu và cầu trong nước tăng mạnh. Tuy nhiên, suy giảm của ngành khai khoáng, đặc biệt khai thác dầu thô cũng gây tác động tiêu cực tới mức tăng trưởng chung. 

Báo cáo chỉ ra một số rủi ro mà kinh tế Việt Nam có thể gặp phải. Sau giai đoạn đạt thặng dư lớn năm 2016, tài khoản vãng lai của Việt Nam bắt đầu bị thâm hụt vào đầu năm 2017. Thâm hụt tài khóa, kể cả các khoản mục ngoài ngân sách, ước tăng lên mức 6,5% GDP năm 2016 từ mức 6,2% năm 2015. Thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao làm cho tổng nợ công của Việt Nam ước tính đạt 63% GDP và đang dần tiệm cận với mức trần 65% GDP.

Tình hình thu chi ngân sách nửa đầu 2017 ghi nhận nhiều cải thiện nhờ vào các khoản ngoài thuế và tăng cường kỷ cương chi, qua đó, kìm hãm được thâm hụt ngân sách và tăng nợ công. 

Tuy nhiên, WB đánh giá các biện pháp hiện nay chủ yếu điều chỉnh theo tình huống nhất thời, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có các biện pháp mang tính hệ thống thì mới có thể tăng nguồn thu và tiết kiệm chi, đồng thời bảo vệ được các khoản đầu tư vào hạ tầng và nguồn vốn con người để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Về lâu dài, nếu muốn xóa bỏ rào cản chủ yếu trong quá trình cải thiện hiệu quả và tăng năng suất lao động, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế (đặc biệt là cải cách doanh nghiệp nhà nước), cải thiện môi trường kinh doanh, vận hành tốt thị trường yếu tố sản xuất, WB nhận định.