Nghịch lý buồn của ngành dệt may vì Covid-19

Thùy Trang - 19:33, 20/12/2021

TheLEADERMặc dù các đơn hàng dệt may dồi dào hơn, doanh nghiệp lại không dám nhận nhiều, chủ yếu do những biến động khó lường của dịch bệnh và nguồn lao động.

Thời gian qua, sự bùng phát và diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn, thậm chí rơi vào khủng hoảng, buộc phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Mặc dù tình hình hiện tại đã diễn biến tích cực hơn, doanh nghiệp lại phải đối mặt với “cơn sóng” khác mang tên “lực lượng lao động”.

“Hiện tại, doanh nghiệp dệt may không thiếu đơn hàng, nhưng không dám nhận vì không thể chủ động lực lượng sản xuất. Nếu không đảm bảo tiến độ, doanh nghiệp có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, chi phí rất lớn”, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công, chia sẻ.

Đơn cử, nhà máy của Thành Công tại Vĩnh Long làm cho Adidas nhưng hiện nay không dám nhận thêm nhiều vì tình hình lao động thiếu ổn định.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà máy buộc phải ngưng sản xuất, người công nhân theo đó trở về địa phương khi cuộc sống khó khăn. Cùng với đó, vào thời điểm khi Tết cận kể như hiện nay, tâm lý chung sẽ là qua dịp Tết mới làm việc.

“Doanh nghiệp không sợ thiếu đơn hàng, mà chỉ sợ không đủ lao động để sản xuất”, ông Tùng cho biết tại hội nghị tổng kết 2021 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vừa qua.

Nghịch lý buồn của ngành dệt may giữa Covid-19
Nguy cơ cao với ngành dệt may là đứt gãy chuỗi cung ứng do lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.

Không chỉ vậy, những biện pháp phòng, tránh dịch đã buộc doanh nghiệp phải giải quyết những thách thức chưa từng có, đầu tư nhiều hơn để duy trì nhịp độ làm việc.

Ông Tùng cho hay, nhà máy tại miền Tây quy định khi công nhân xét nghiệm nhanh dương tính thì phải ở lại công ty chờ PCR, nếu kết quả khẳng định dương tính thì người công nhân sẽ đi cách ly tập trung nếu còn chỗ. Nếu không, họ vẫn phải ở lại công ty và doanh nghiệp sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chăm sóc cho F0.

Như vậy, dù người lao động có đi cách ly hay không, công ty vẫn phải đảm bảo điều kiện lưu trú cho họ ít nhất 3 – 5 ngày tại khu tạm thời. “Số lượng F0 đang tăng lên khiến doanh nghiệp rất khó khăn”, ông Tùng chia sẻ.

Trước đó, VITAS cũng cảnh báo nguy cơ cao với ngành dệt may là đứt gãy chuỗi cung ứng do lao động về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.

Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đã cố gắng bố trí sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường – hai điểm đến”, hoặc phương án sản xuất “bốn xanh” nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10 – 30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường.

“Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng”, VITAS nhấn mạnh.

Hiệp hội này ước tính sẽ có khoảng gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập.

Tại hội nghị của VITAS, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, đánh giá phục hồi lao động đang là trở ngại lớn với sản xuất dệt may. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy để ứng phó với dịch Covid-19, 65% doanh nghiệp Việt Nam và 36% doanh nghiệp FDI đã phải dừng hoạt động, số còn lại chỉ duy trì ở mức 30% công suất.

Bà Chi nhận định, trở ngại lớn nhất không phải là các quy định phòng, chống dịch, mà là việc đối thoại với người lao động để duy trì, đảm bảo lực lượng sản xuất.

Khó khăn bủa vây

Không chỉ vấn đề nhân lực cho sản xuất, doanh nghiệp còn phải đối mặt với chi phí logistic đang “nóng” hơn bao giờ.

Ông Tùng cho biết, trước đây, Thành Công nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và thường theo mức giá CIF, tức là bên bán chịu mọi chi phí cho đến khi bên mua nhận được hàng tại cảng của mình. Tuy vậy, hiện bên bán đã đổi hình thức sang giá FOB, tức là không còn chịu trách nhiệm sau khi đã xuất hàng đi từ bên nước xuất khẩu.

Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro với doanh nghiệp nhập khẩu sẽ cao hơn, chi phí gia tăng, mức lợi nhuận từ đó cũng sẽ thu hẹp.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS, nhận định ngành dệt may năm 2022 đối mặt với không ít thách thức khi dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc.

Trong nước, sức chống chịu cùng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân giảm sút, trong khi nguy cơ chậm phục hồi, suy giảm tăng trưởng, rủi ro lạm phát vẫn ở mức cao.