Người Việt lạc quan sắm Tết online

Việt Hưng - 16:31, 30/12/2021

TheLEADERTheo dự đoán của Kantar WorldPanel, chi tiêu FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) tại nhà sẽ tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2022 với mức chi tiêu gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Theo Khảo sát "Thói quen tiêu dùng" mới nhất của PwC ở 26 quốc gia gồm cả Việt Nam, 76% người được hỏi khẳng định vẫn có kế hoạch mua sắm nhiều hơn và cho biết giá cả, sự tiện lợi vẫn là những yếu tố quan trọng trong quyết định mua sắm.

Sở dĩ người tiêu dùng, vẫn giữ thái độ lạc quan vì họ được làm việc ở nhà hoặc theo phương thức kết hợp (hybrid). Ngoài ra, bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng cao càng củng cố niềm tin của người tiêu dùng về một năm 2022 tích cực hơn.

Ở Việt Nam, tình hình cũng rất tươi sáng. Theo dự đoán của Kantar WorldPanel, chi tiêu FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) tại nhà sẽ tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2022 với mức chi tiêu gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Trong đó, khu vực thành thị có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn. Riêng ở lĩnh vực thương mại điện tử, Deloitte ước tính, doanh số TMĐT trong kỳ nghỉ lễ 2021-2022 sẽ tăng từ 11%-15% so với cùng kỳ năm trước. Trước mắt, mùa lễ hội mua sắm cuối năm 12-12 đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng ấn tượng ở các sàn thương mại điện tử.

Theo số liệu thống kê từ thương hiệu chuyển phát nhanh J&T Express, số lượng đơn hàng trong tháng cao điểm mua sắm cuối năm đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ 2020.

Hầu hết các địa phương đều tăng trưởng về mặt số lượng đơn, không còn chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Điều đó cho thấy số lượng người mua, người bán ở các tỉnh thành ngoài các thành phố lớn đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Người Việt lạc quan sắm Tết online
Người Việt lạc quan sắm Tết online

Trước đó, một khảo sát của Facebook và Công ty GroupM Việt Nam cho kết quả trong số những người sử dụng Internet ở các vùng nông thôn, 46% (khoảng 30 triệu dân) có tham gia các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Báo cáo của Facebook và GroupM cũng đưa ra dự tính chi phí hàng tháng dành cho ngành hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn sẽ tăng trung bình 7% hàng năm, nhanh hơn khu vực đô thị loại 1 (4%), tính từ 2020-2025.

Từ đó, báo cáo cho rằng trên 70% các ngành hàng vẫn có cơ hội để đẩy mạnh số lượng người tiêu dùng ở nông thôn so với ở đô thị loại 1.

Nắm bắt điểm mấu chốt này nhiều sàn thương mại điện tử đã tung các đợt ưu đãi lỡn, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết cho người dùng cả nước.

Hầu hết các chương trình đều hướng đến mục đích hỗ trợ song phương bao gồm cả người mua và người bán. Các thương hiệu, nhà bán hàng có dịp thúc đẩy doanh số, tận dụng cơ hội phục hồi hậu suy thoái. Trong khi người mua có thể mua sắm với giá ưu đãi để có cái Tết sung túc mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Về phía các doanh nghiệp bán lẻ, nhiều đơn vị cho biết đã chuẩn bị sẵn tinh thần, chờ đón một trong những làn sóng mua sắm lớn nhất trong năm.

Sau quý 3 ảm đạm, hai tháng giao mùa là dịp để họ bứt tốc và nắm bắt thời cơ chuyển mình trong bình thường mới. Hầu hết đều đã có kinh nghiệm trữ hàng và bổ sung nhân sự từ hai đợt sale lớn 11/11 và 12/12. Họ kỳ vọng doanh thu Tết sẽ là bước đệm vững chãi, mở ra năm 2022 với nhiều cơ hội khả quan hơn.

Về ngành hàng thì bách hóa, điện tử và các sản phẩm sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Các ngành hàng làm đẹp, thời trang có thể bùng nổ trong quý 4 năm nay khi các hoạt động dần trở lại bình thường mới, mùa mua sắm cuối năm và Tết đã cận kề.

Người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, và tập trung vào các nhóm hàng quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho bé… vì nỗi lo dịch bệnh trở lại. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được mua vào khoảng cận Tết.