Nhà đầu tư ngoại đang trong giai đoạn xem xét mua lại Oceanbank

Phương Dung - 15:10, 20/07/2017

TheLEADERĐại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, một đối tác nước ngoài đang trong quá trình xem xét mua lại Oceanbank. Nếu thương vụ này thành công, Việt Nam sẽ có thêm ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Nhà đầu tư ngoại đang trong giai đoạn xem xét mua lại Oceanbank
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trả lời báo chí tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 diễn ra sáng nay (20/7), ông Bùi Huy Thọ, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, hiện đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng Ngân hàng Đại dương OceanBank.

"Ngân hàng này đang thực hiện giai đoạn 2 trong quá trình soát xét, đánh giá mang tính toàn diện hoạt động của OceanBank. Nhà đầu tư này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình này thực hiện thành công. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ có thêm ngân hàng 100% vốn nước ngoài", ông Thọ nói.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, do hoạt động phức tạp, việc mua lại một tổ chức tín dụng không phải là một thương vụ đơn giản và cần nhiều thời gian để xem xét và đánh giá.

Ngoài OceanBank, đại diện NHNN cũng cho biết, 2 ngân hàng thuộc diện "0 đồng" được NHNN mua lại hiện cũng được nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề bước đầu tham gia tái cơ cấu.

"NHNN bước đầu đồng ý cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận với các ngân hàng để có được thông tin đánh giá và có được những quyết định bước tiếp theo. Thông tin sơ bộ là như vậy và quan điểm chung của NHNN và Chính phủ là khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng mua lại bắt buộc này", ông Thọ cho hay.

Đại diện NHNN cũng khẳng định, NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để quá trình tái cơ cấu được thực hiện thành công.

"Hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được thông qua với điểm trọng tâm nhất là quy định về xử lý tài sản đảm bảo chính là “linh hồn của Nghị quyết”, sẽ tạo ra lối đi rõ ràng cho việc xử lý nợ xấu. Điều này cũng là một trong những yếu tố tích cực để thúc đẩy việc M&A trong lĩnh vực ngân hàng, giúp các nhà đầu tư nước ngoài bớt “e ngại” hơn về việc xử lý khoản nợ xấu của các ngân hàng và sẽ có được những đối sách phù hợp", ông Thọ nói thêm.