Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2018

Tùng Anh - 08:34, 01/11/2018

TheLEADERPhạt nặng nếu bán hàng đa cấp bất chính, quy định về những trường hợp Quỹ tín dụng nhân dân bị thu hồi giấy phép, hộ - cá nhân kinh doanh được cấp hoá đơn điện tử miễn phí, rút ngắn thời gian cấp phép chứng thực chữ ký số, nhiều trường hợp tạm dừng cưỡng chế thuế,... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2018.

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2018
Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2018

Phạt tới 200 triệu đồng khi bán hàng đa cấp bất chính

Nghị định 141/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 8/10/2018, có hiệu lực từ ngày 25/11/2018. Theo Nghị định này, mức phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng được áp dụng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng đa cấp bất chính bao gốm:

Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;

Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.

Nghị định nêu rõ, phai gấp 2 lần mức phạt nêu trên nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trở lên.

Quỹ tín dụng nhân dân bị thu hồi giấy phép trong 7 trường hợp

Thông tư 23/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/11/2018 quy định bảy trường hợp phải thu hồi giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm: quỹ tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; hồ sơ đề nghị cấp phép của Quỹ có thông tin gian lận để đủ điều kiện được cấp giấy phép;

Quỹ hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép; quỹ vi phạm nghiêm trọng quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động; quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng;

Quỹ bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản; Quỹ hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận.

Hộ, cá nhân kinh doanh được cấp hóa đơn điện tử miễn phí

Nghị định 119/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 12/9/2018, có hiệu lực từ ngày 1/11/2018, quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí, trong đó có:

Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ;

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn;

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. 

Thêm trường hợp tạm dừng cưỡng chế thuế

Thông tư 87/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

Thông tư cho phép được tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế nếu đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế mà cơ quan thuế đã ban hành một trong các văn bản như: thông báo nộp dần tiền thuế nợ, quyết định gia hạn nộp thuế, thông báo không tính tiền chậm nộp.

Một điểm mới đáng chú ý khác là quy định quyết định cưỡng chế thuế được gửi qua mạng. Theo đó, nếu người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử. Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc bằng thư bảo đảm qua bưu điện.

Thông tư này cũng sửa đổi quy định về thời điểm phải ban hành quyết định cưỡng chế. Cụ thể, sau ngày thứ 90 kể từ ngày số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế…, quyết định cưỡng chế thuế sẽ được ban hành, thay vì quy định cụ thể trong ngày thứ 91 như trước đây.

Rút ngắn thời gian cấp phép chứng thực chữ ký số

Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

Theo Nghị định này, thời gian thẩm tra hồ sơ và cấp phép chứng thực chữ ký số được rút ngắn còn 50 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp phép hợp lệ thay vì 60 ngày như trước đây.

Để được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Thông tin và truyền thông cấp và có chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất giữ nguyên thời hạn giấy phép cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là 10 năm; chứng thư số cấp cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có thời hạn 5 năm.

Hai trường hợp ngân hàng được cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3

Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/11/2018 và thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000.

Theo đó, ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân khi bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội quy định tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu NH cung cấp thông tin khách hàng; hoặc có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.

Ngoài hai trường hợp này, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin khách hàng cho chính khách hàng hoặc người đại diện hợp pháp của khách hàng đó.