Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2019

Quỳnh Chi - 09:47, 01/05/2019

TheLEADERNhiều chính sách mới đi vào thực thi sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng như người lao động.

Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2019
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị kinh doanh

Hỗ trợ tới 100% học phí khóa đào tạo quản trị kinh doanh

Thông tư 05/2019/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành ngày 29/3/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực từ ngày 12/5/2019.

Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% học phí khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh đối với học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa có trụ sở tại địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Nếu không có điều kiện tham gia đào tạo trực tiếp, học viên có thể tham gia chương trình đào tạo trực tuyến, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Người lao động hoặc cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được cung cấp tài khoản để tham gia học tập tại hệ thống đào tạo trực tuyến trên nền tảng Web hoặc trên thiết bị di động thông minh.

Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép cho thuê lại lao động

Nghị định số 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động có hiệu lực từ ngày 05/05/2019. 

Theo Nghị định này, doanh nghiệp được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động khi đáp ứng hai điều kiện sau:

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại lao động là người quản lý doanh nghiệp, không có án tích, và đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 3 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

- Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng.

So với trước đây, Nghị định mới đã bãi bỏ điều kiện về vốn pháp định (2 tỷ đồng) và điều kiện về địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Hướng dẫn mới về hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Quyết định 166/QĐ-BHXH về quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 31/1/2019 có hiệu lực từ ngày 1/5/2019.

Quyết định này đề cập đến quy trình và hồ sơ giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, gồm:

- Quy trình giải quyết hưởng và chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Cụ thể, hồ sơ hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sinh con gồm bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của bệnh viện thể hiện sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ.

Người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng thai sản trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động. Trường hợp nộp trực tiếp thời hạn giải quyết và chi trả tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp thông qua đơn vị sử dụng lao động tối đa là 6 ngày.

Quyết định cũng nêu rõ cán bộ BHXH, cán bộ chi trả không được ký nhận thay các chế độ BHXH, BHTN của người hưởng.

- Quy trình giải quyết hưởng và chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất;

- Quy trình chi trả bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH, cơ quan BHXH cũng bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH; các giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Cơ quan này cũng bỏ điều kiện phải có biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động; biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội trong việc giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu của người lao động.

Cách xác định thời điểm sử dụng nhà ở cũ

Nghị định 30/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở đã bổ sung hướng dẫn cụ thể việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/5/2019. Cụ thể:

- Trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà và có tên trong hợp đồng này:

+ Nếu thời điểm bố trí nhà ở được ghi trong hợp đồng thuê nhà, xác định theo thời điểm ghi trong hợp đồng;

+ Nếu trong hợp đồng không ghi thì xác định theo thời điểm ký hợp đồng đó;

+ Hợp đồng thuộc diện ký lại hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà, thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên...

- Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong văn bản bố trí sử dụng thì thời điểm sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản đó. Nếu văn bản không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành…

 Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô

Quyết định 16/2019/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu ban hành ngày 28/3/2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5/2019. 

Theo đó, lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông:

- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1;

- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2021;

- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2020.

Mức tiêu chuẩn khí thải (Mức 1, Mức 2, Mức 3, Mức 4) là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ô tô quy định tại TCVN 6438:2018 “Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải”.