Nhiều doanh nghiệp muốn lùi thời điểm tăng lương tối thiểu

Phương Anh - 15:40, 18/04/2022

TheLEADERThay mặt cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, từ 1/1/2023, thay vì mốc 1/7 tới vì nhiều khó khăn chồng chất.

Trong công văn kiến nghị mới đây, tám hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng cho biết trong hai năm 2020 – 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ.

Hơn nữa, tình trạng người lao động là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, buộc doanh nghiệp vẫn phải gồng mình đối phó với tình hình, kéo theo là tình trạng hậu Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Nguy cơ xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới của dịch Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Theo các hiệp hội, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020, và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người lao động, trong khi Nhà nước cũng đang nỗ lực kiểm soát lạm phát.

“Các doanh nghiệp không thể xoay sở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, do tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của chúng tôi đều được xây dựng từ cuối năm trước”, các hiệp hội nhấn mạnh trong công văn.

Đại diện các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng cho biết thêm hiện nay, các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022, đồng thời, các hợp đồng với các đối tác đều đã được chốt và ký từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hóa được.

Tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp”.

“Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục ngàn người lao động không có việc làm”, đại diện các doanh nghiệp cho biết.

Tám hiệp hội doanh nghiệp bao gồm Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam.

Vì các lý do trên, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Tại phiên họp lần hai ngày 12/4 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất từ ngày 1/7, dự kiến tăng lương tối thiểu 6%, tương đương khoảng 180.000 – 260.000 đồng so với mức hiện nay, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Về phía người sử dụng lao động, đại diện Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết mức điều chỉnh lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7 chưa như kỳ vọng chung của doanh nghiệp, bởi thời điểm mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp là vào đầu năm sau.

Việc tăng lương vào giữa năm tạo ra nhiều vất vả cho doanh nghiệp khi phải điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đơn hàng, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, chi phí…đã được xây dựng từ đầu năm.

Đại diện cho người lao động tại Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng thông lệ tăng lương tối thiểu thường tính từ ngày 1/1 của năm kế tiếp, nhưng lần này lương tối thiểu đã gần hai năm chưa tăng, dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế dần phục hồi, thời điểm tăng lương như trên kịp thời giúp người lao động bớt khó khăn.

Bên cạnh đó, tăng lương cũng là công cụ thúc đẩy người lao động tăng năng suất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; cũng là giải pháp buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.