Nhiều gói tài trợ chục tỷ USD đối phó mất an ninh lương thực

Phương Anh - 12:59, 04/10/2022

TheLEADERCác gói hỗ trợ sẽ chủ yếu hỗ trợ các hoạt động của khu vực tư nhân - thành phần đóng vai trò thiết yếu trong giảm thiểu mất an ninh lương thực, cũng như tạo ra các giải pháp lâu dài.

Nhằm đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, IFC mới đây đã khởi động chương trình tài trợ trị giá 6 tỷ USD, giúp tăng cường khả năng của khu vực tư nhân trong ứng phó, và giúp sản xuất lương thực.

Căng thẳng quân sự kéo dài ở Ukraine và sự phục hồi không đồng đều trên toàn cầu sau Covid-19 đã gia tăng mức độ đói kém và suy dinh dưỡng - vốn đã ngày càng tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt ảnh hưởng lên mùa màng và sản lượng.

Một phần tài chính trong gói 6 tỷ USD - được cung cấp thông qua Nền tảng An ninh lương thực toàn cầu mới, sẽ hỗ trợ sản xuất bền vững và cung cấp nguồn dự trữ lương thực cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về lương thực.

Hỗ trợ này sẽ nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa lương thực, cung cấp đầu vào cho nông dân, hỗ trợ sản xuất hiệu quả ở các nước đầu nguồn, và phân phối hiệu quả các sản phẩm lương thực ở các nước đến.

Nguồn tài chính cũng sẽ tập trung vào các hành động dài hạn nhằm cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống lương thực toàn cầu, và giảm thiểu tác động của khí hậu và sinh thái.

Các hành động sẽ bao gồm đầu tư vào tăng cường sản xuất cây trồng hiệu quả, cải thiện khả năng tiếp cận phân bón, xanh hóa việc sản xuất và sử dụng phân bón, giảm mất mùa và lãng phí thực phẩm, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và giảm thiểu tắc nghẽn cơ sở hạ tầng.

6 tỷ USD sẽ được sử dụng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân dọc theo chuỗi giá trị thực phẩm, bằng cách tận dụng chuyên môn của IFC trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, sản xuất, cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như lĩnh vực tài chính và tài trợ thương mại.

Giám đốc điều hành IFC Makhtar Diop đánh giá khu vực tư nhân đóng vai trò thiết yếu trong giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực, cũng như tạo ra các giải pháp lâu dài.

Bằng cách tăng cường chuỗi cung ứng và đảm bảo mọi người được tiếp cận, và cũng như có thể sản xuất thực phẩm giá cả phải chăng, sáng kiến này sẽ góp phần xây dựng hệ thống lương thực có khả năng phục hồi ở những vùng dễ bị tổn thương nhất.

Nền tảng An ninh lương thực toàn cầu mới sẽ hỗ trợ và bổ sung cho cam kết 30 tỷ USD từ World Bank nhằm mục tiêu ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng công bố các kế hoạch cung cấp ít nhất 14 tỷ USD cho giai đoạn 2022 – 2025 trong một chương trình hỗ trợ toàn diện, nhằm làm dịu bớt cuộc khủng hoảng lương thực đang trở nên tồi tệ ở châu Á và Thái Bình Dương.

Đồng thời, cải thiện an ninh lương thực trong dài hạn bằng cách tăng cường các hệ thống lương thực trước tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Hoạt động này giúp mở rộng phạm vi hỗ trợ vốn đã rất đáng kể của ADB cho an ninh lương thực trong khu vực – nơi gần 1,1 tỷ người thiếu chế độ ăn lành mạnh do tình trạng nghèo khổ và giá lương thực đã tăng lên các mức cao kỷ lục trong năm nay.

Khoản hỗ trợ này sẽ được cấp thông qua các dự án hiện tại và dự án mới trong các lĩnh vực bao gồm đầu vào cho canh tác nông nghiệp, sản xuất và phân phối thực phẩm, bảo trợ xã hội, thủy lợi và quản lý nguồn nước, cũng như các dự án thúc đẩy những giải pháp dựa vào tự nhiên.

ADB sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động khác góp phần vào an ninh lương thực, chẳng hạn như chuyển đổi năng lượng, giao thông, tiếp cận tài chính nông thôn, quản lý môi trường, y tế và giáo dục.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 55 của ADB, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa, khẳng định: “Đây là một giải pháp ứng phó kịp thời và hết sức cấp thiết trước một cuộc khủng hoảng đang đẩy quá nhiều gia đình nghèo ở châu Á vào tình trạng thiếu ăn và nghèo khổ sâu sắc hơn. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ, trước khi những tác động của biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, và xói mòn hơn nữa những thành tựu phát triển mà khu vực đã rất khó khăn mới giành được”.

“Hỗ trợ của chúng tôi sẽ có trọng tâm, tổng hợp và mang lại tác động để giúp những người dễ bị tổn thương – đặc biệt là phụ nữ dễ bị tổn thương – trong giai đoạn trước mắt, đồng thời củng cố các hệ thống lương thực để giảm tác động của những rủi ro mất an ninh lương thực trước mắt và trong tương lai”.

Cuộc xung đột quân sự kéo dài giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực thiết yếu và phân bón, gây áp lực lên hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã bị suy yếu bởi tác động của biến đổi khí hậu, các cú sốc nguồn cung do đại dịch và thông lệ canh tác không bền vững.

Châu Á và Thái Bình Dương dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực, do một số quốc gia ở khu vực này phụ thuộc vào nguồn lương thực và phân bón nhập khẩu.

Ngay cả trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra, thực phẩm giàu dinh dưỡng đã nằm ngoài khả năng chi trả của một bộ phận đáng kể người dân tại nhiều quốc gia thành viên thu nhập trung bình của ADB.

Song song với việc giúp đỡ những người dễ bị tổn thương, hỗ trợ an ninh lương thực của ADB sẽ thúc đẩy thương mại mở, cải thiện sinh kế và sản xuất nông nghiệp của các nông hộ nhỏ, giảm bớt tình trạng thiếu phân bón và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả phân bón hoặc các nguồn hữu cơ thay thế.

Cùng với đó, hỗ trợ đầu tư cho sản xuất và phân phối lương thực, nâng cao dinh dưỡng, và tăng cường khả năng chống chịu khí hậu thông qua các giải pháp tích hợp dựa trên tự nhiên.

Một trọng tâm chính sẽ là bảo vệ môi trường tự nhiên của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, vốn đang làm suy thoái đất đai, nước ngọt và các hệ sinh thái biển.

Hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình của ADB sẽ bắt đầu trong năm này và được tiếp tục cho đến năm 2025. Hỗ trợ sẽ dựa trên các hoạt động ở khu vực chính phủ và tư nhân của ADB, với mục tiêu thu hút thêm 5 tỷ USD đồng tài trợ từ khu vực tư nhân cho an ninh lương thực.

ADB sẽ áp dụng những bài học kinh nghiệm từ việc hỗ trợ các thành viên trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu 2007 – 2008, và thông qua việc thực hiện kế hoạch hoạt động an ninh lương thực vào năm tiếp theo.

Kể từ đó, ADB đã cung cấp 2 tỷ USD vốn đầu tư hàng năm cho an ninh lương thực. Vào năm 2018, ADB đã xác định an ninh lương thực là một ưu tiên hoạt động chủ chốt.