Những con số đáng chú ý trong Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ năm 2018

Vũ Minh - 16:49, 01/01/2018

TheLEADERChính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Những con số đáng chú ý trong Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ năm 2018
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế 2018.

Theo nội dung Nghị quyết 01, năm 2018 sẽ điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với chính sách tài khóa chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương và các chính sách khác, phấn đấu tăng tưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Phấn đấu tăng năng suất lao động xã hội trên 6%, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng GDP 2018 đạt trên khoảng 46%.

Phát triển nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản đạt khoảng 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đạt 36 - 37 tỷ USD.

Phát triển công nghiệp tốc độ tăng trưởng khoảng 7,7%. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%. Từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 15 triệu lượt khác quốc tế đến Việt Nam 2018.

Tăng cường kỷ luật tài chính, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước; tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách Trung ương đã được giao dự toán đầu năm nhưng đến 30/6/2018 chưa phân bổ, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chinh phủ quyết định. Kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 3,7% GDP.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ. Phấn đấu cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm vi phạm đầu tư công; chấn chỉnh các dự án dự án đối tác công tư nhất là các dự án BOT. Phấn đấu giải ngân 100% dự án chi đầu tư phát triển được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.

Bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8 - 10% so với 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Phát triển mạnh thị trường trong nước, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội... Bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Phấn đấu năm 2018 cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển mạnh doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng theo cơ chế thị trường.

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước...

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

Thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu thành lập mới 135 nghìn doanh nghiệp trong năm 2018.

Quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược

Tập trung xây dựng, hoàn thiện và ban hành kịp thời các văn bản liên quan đến các luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Chuẩn bị tốt các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp năm 2018, trọng tâm là Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Sửa đổi các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành... Tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện pháp luật về đầu tư nhất là đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Huy động mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, nhất là trong những lĩnh vực thiếu nhân lực như: Công nghệ thông tin, du lịch, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thực hiện đồng bộ ba nội dung về quy hoạch lại mạng lưới, tự chủ đại học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo các quy định pháp luật về quy hoạch. Kiểm soát chặt chẽ tiến trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Chấn chỉnh những bất cập trong hình thức đầu tư đối tác công tư, khẩn trương rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển, điện và năng lượng, các dự án giảm ùn tắc giao thông; Sớm hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến hành lang ven biển phía Bắc và phía Nam; Kết nối một số tuyến giao thông trong tổng thể hành lang Đông Tây, hành lang Xuyên Á.