Những thách thức đón chờ doanh nghiệp thép trong năm 2022

Trần Anh - 08:47, 05/02/2022

TheLEADERSau một năm 2021 rực rỡ, các doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với những thách thức từ việc cân bằng cung - cầu và giá bán giảm.

Những thách thức đón chờ doanh nghiệp thép trong năm 2022

Theo đó, 2021 là một năm ghi nhận lợi nhuận đột biến đối với các công ty ngành thép. Kể từ quý IV năm 2020, các công ty đều tăng trưởng nhanh chóng khi lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm của HPG tăng gấp 3 lần, HSG tăng gấp 5 lần và NKG tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành, có thể thấy sau khi lên đỉnh lợi nhuận vào quý II/2021, lợi nhuận các doanh nghiệp thép đã có dấu hiệu hụt hơi. Chẳng hạn, trong quý III, lợi nhuận của Hoa Sen Group đã giảm 45% so với quý II còn 940 tỷ, thép Nam Kim cũng giảm 28% xuống 607 tỷ đồng.

Sang đến quý IV, các công ty thép tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với quý trước đó. Hòa Phát lợi nhuận giảm 29% xuống 7.400 tỷ, Hoa Sen giảm 32%, và Nam Kim cũng giảm 26%.

Những diễn biến đó khiến giới phân tích đánh giá khả năng tăng trưởng của ngành thép trong năm 2022 không thực sự lạc quan.

CTCK Maybank KimEng (MBKE) đưa ra góc nhìn trung lập đối với ngành thép trong năm 2022. Theo đó, sau một năm 2021 rực rỡ, các doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với những thách thức từ việc giá bán giảm.

Theo MBKE, bên cạnh những nút thắt về nguồn cung do các nước phát triển đồng loạt mở cửa trở lại và việc đóng cửa ở các nước đang phát triển do biến thể Delta thì việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép đã tạo ra sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng, đẩy giá thép lên mức cao kỷ lục vào giữa năm 2021.

Trong khi thị trường trong nước im ắng do giãn cách vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp thép đã thắng lớn trên thị trường xuất khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 12,2 triệu tấn thép, tăng 37% so với cùng kỳ. Năm 2021 cũng đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu thép, phần lớn nhờ vào đóng góp từ dự án Dung Quất của Hòa Phát với sản lượng 5,5 triệu tấn/năm.

Cụ thể, xuất khẩu thép sang thị trường châu Âu và Mỹ tăng lần lượt 7,5 lần và 5,5 lần lên 1,54 triệu tấn và 921.000 tấn trong 11 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh nhu cầu thép gia tăng khi kinh tế mở cửa trở lại, các hiệp định FTA giữa châu Âu và Việt Nam có hiệu lực kể từ tháng 8/2020 và mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đã thúc đẩy xuất khẩu thép toàn cầu.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, MBKE dự đoán nhu cầu thép toàn cầu sẽ chậm lại và các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội mùa đông 2022, tạo cân bằng cung cầu trở lại và gây áp lực đối với giá thép, cũng như năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Đổi lại, thị trường trong nước có thể phục hồi. Thị trường thép trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề khi chủng Delta lan rộng đã khiến cho các công trường đóng cửa trong suốt quý III/2021. Giá trị xây dựng giảm 11,41% so với cùng kỳ năm trước và tổng sản lượng thép thành phẩm (thép cây, ống thép, và tôn mạ) giảm 37,9% so với cùng kỳ trong quý III/2021.

Năm 2022, MBKE kỳ vọng thị trường nội địa sẽ hồi phục 15-20% YoY nhờ gói kích thích kinh tế giai đoạn 2022-2023, góp phần bù đắp sự chững lại ở thị trường xuất khẩu, trong khi sản lượng bán hàng lớn hơn sẽ phần nào bù đắp những tác động từ việc giá bán giảm. Mặc dù vậy, MBKE vẫn dự báo biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2022 sẽ bị thu hẹp, song song với việc giá bán và lợi nhuận giảm nhiều hơn.

Nhận định lạc quan hơn, nhóm phân tích từ SSI Research cho rằng xét về dài hạn, nguồn cung chắc chắn sẽ hồi phục và tăng trở lại dù cho thị trường lớn là Trung Quốc vẫn sẽ kiểm soát sản lượng thép. Thực tế tại các quốc gia Đông Nam Á, việc giá thép cao cũng thúc đẩy các doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư nâng công suất nhằm đưa ra thị trường lượng thép lớn nhằm hưởng lợi khi giá cả đang neo ở mức cao.

Tuy nhiên, SSI Research tin rằng thị trường thép Việt Nam trong 2 năm tới sẽ vẫn theo xu hướng tăng trưởng tốt khi không có thêm dự án sản xuất thép lớn nào, do đó nguồn cung thép vẫn chưa tăng quá mạnh. Riêng trong tháng 10, giá thép nội địa vẫn tăng 4%-5% mặc dù trên thế giới giá thép đã hạ nhiệt. Song, cần lưu ý rằng giá thép Việt Nam thông thường sẽ đồng pha với giá thép thế giới, do đó dự báo trong dài hạn, giá thép sẽ có xu hướng đi xuống, tác động không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.