Những thay đổi mới về thuế quan, pháp lý và thương mại ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt

Hương Xuân - 20:00, 17/11/2019

TheLEADER“Số lượng vụ kiện phòng vệ thương mại năm qua tăng rất nhiều, chừng 150 vụ. Khi chúng ta ký nhiều hiệp định tự do thương mại như vậy, cộng với ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung, các CFO phải tìm hiểu kỹ để làm ăn ở thị trường mới và cả trong nước".

Những thay đổi mới về thuế quan, pháp lý và thương mại ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt
Ông Đặng Thế Đức, luật sư điều hành Indochine Counsel.

Đó là lưu ý của ông Đặng Thế Đức, luật sư điều hành Indochine Counsel đưa ra với các CFO trong Diễn đàn CFO Vietnam 2019 với chủ đề “Thương mại toàn cầu: Thêm chủ động, bớt rủi ro”.

Cơ chế mới tính thuế với dịch chuyển thương mại điện tử qua mạng, qua App

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có những biến động khôn lường, cùng với sự đổi mới của chính sách thuế quan, pháp lý và thương mại của Nhà nước để theo kịp tốc độ mở cửa của các hiệp định thương mại đa phương, vai trò của các CFO ngày càng phức tạp, để có thể nắm bắt và chủ động hơn trong việc hoạch định các chính sách tài chính nhằm phát triển doanh nghiệp.

Không ít tranh chấp đã nổ ra tại Việt Nam về sự bất bình đẳng trong chính sách thuế giữa công ty đa quốc gia và Việt Nam, giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Vậy cơ chế mới để tính thuế của Nhà nước với dịch chuyển thương mại điện tử qua mạng, qua App, những công ty công nghệ ở Việt Nam như Grab, Uber được cánh thuế thế nào?

Trao đổi với hơn 300 chuyên gia tài chính trong và ngoài nước tại sự kiện, ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam cho biết: “Có rất nhiều khái niệm mới khiến cho nhiều doanh nghiệp chóng mặt. Quy định thuế quan trọng nhất là Luật Quản lý thuế mới của Quốc hội mới ban hành, năm sau sẽ có hiệu lực, trong đó có ba thay đổi lớn nhất: Luật đưa ra nguyên tắc mới về quản lý thuế trong tương lai, nhất là kế hoạch đánh thuế thương mại điện tử, điều mà cả thế giới quan tâm”

Ông Lâm cho biết, năm 2017 mọi người ngạc nhiên khi Nhà nước đưa ra Luật về chuyển giá, khái niệm về kiểm soát các bên liên quan. Từ nay về sau quản lý thuế sẽ dựa trên nguyên tắc bản chất vấn đề, dựa vào phân tích rủi ro trong quyết toán chứ không thanh tra kiểm tra nhiều như trước đây. 

Những thay đổi mới về thuế quan, pháp lý và thương mại ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt
Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc RSM Việt Nam.

Do đó việc doanh nghiệp đưa ra dữ liệu rất quan trọng. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên của ASEAN chống xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Với kết quả thành tích về việc tính thuế mới trong chuyển giá, Nhà nước cũng rất hào hứng.

Thương mại điện tử là vấn đề toàn cầu, cả thế giới đều chuyển mình sang thương mại điện tử, các bên đều có thể kinh doanh được mà không cần thấy mặt người chủ. Mọi dịch chuyển dựa trên nền tảng vô hình. Việt Nam được xem là quốc gia phát triển thương mại điện tử lớn nhất châu Á. 

Việt Nam học tập kinh nghiệm các nước rất nhanh, vận dụng quy định mới thành công trong thời gian gần đây. Đưa ra các loại thuế tương tự thuế nhập khẩu. Khái niệm mới về sự hiện diện kinh tế trọng yếu, chính sách thuế trong tương lai sẽ thay đổi, tạo ra cơ hội thu thuế trong tương lai.

Cho vay ngân hàng giữa cá nhân và cá nhân, giao dịch qua thương mại điện tử Nhà nước khó kiểm soát được, sẽ bắt buộc ngưỡng giao dịch tiền mặt hạ xuống, các sàn thương mại điện tử phải xuất hoá đơn cho người mua hàng sau cùng mới thu được tiền chẳng hạn. Các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam phải kê khai thủ tục kinh doanh tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước quy định phải qua tài khoản trung gian mới được vào tài khoản cá nhân. Mở rộng trách nhiệm cung cấp thông tin dữ liệu của các bên liên quan, mọi thứ phải lên online, dự kiến năm sau 100% doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng hoá đơn điện tử với cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ xây dựng dữ liệu lớn để cung cấp cho tất cả các bên liên quan.

Đưa ra lời khuyên với các CFO liên quan đến thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ, ông Lâm nói, “Trong lúc luật chưa rõ ràng với mô hình kinh doanh mới, không còn cách nào khác là các CFO phải quan sát tìm hiểu kinh nghiệm từ các nền kinh tế đã phát triển, vì Chính phủ Việt Nam phải theo sát với thông lệ quốc tế. Các CFO cũng phải theo sát các động thái quốc tế, nhất là khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Mô hình xử lý thuế của chúng ta không đi ra khỏi khuôn khổ do các quốc gia làm ăn chung với nhau”.

Cải thiện hành lang pháp luật để hấp thụ dòng vốn từ Trung Quốc

Phân tích nguyên nhân khiến cho Việt Nam không đủ sức hấp thụ dòng vốn lớn đổ về từ Trung Quốc bởi ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch & CEO FlinGroup cho biết:

“Top 5 mặt hàng dịch chuyển nhiều nhất sang Việt Nam là thiết bị di động, đồ cơ khí, nội thất, dệt may. Việt Nam có điều kiện tiếp nhận gần như toàn bộ dịch chuyển từ Trung Quốc sang, nhưng mình chỉ có lợi thế gia công, nên chỉ hưởng được khoảng 16% giá trị chuỗi cung ứng thôi, rất ít, còn lại là Hàn Quốc, Nhật Bản”.

Ông Đặng Thế Đức, luật sư điều hành Indochine Counsel nhấn mạnh đến hành lang pháp luật chưa thật sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, ngoài việc cắt giảm thuế quan, Việt Nam phải thay đổi rất nhiều yếu tố khác, như cải cách thủ tục đầu tư giữa doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư, hạ tầng xuất khẩu, hạ tầng khu công nghiệp, Logistics…

“Về Luật quản lý thuế, chúng tôi cũng làm việc rất nhiều với các doanh nghiệp thương mại điện tử, chính phủ có lộ trình tương đối rõ về thay đổi thuế để công bằng hơn, giảm chi phí gia nhập thị trường, kinh doanh tại Việt Nam như hệ thống hải quan 1 cửa. Tuy nhiên để đánh thuế giao dịch xuyên biên giới như Facebook, phải có quy định về chia sẻ thông tin”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, Luật Cạnh tranh, Luật chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đều có những sửa đổi để khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và startup ở Việt Nam, tạo cơ hội cạnh tranh minh bạch hơn, giảm chi phí kinh doanh. Người lao động được quyền thành lập công đoàn độc lập. Công ước lao động cưỡng bức Việt Nam cũng có ý kiến tham gia nhưng chưa chính thức.

“Khi chúng ta ký nhiều hiệp định tự do thương mại như vậy, các CFO cũng phải tìm hiểu kỹ để làm ăn ở thị trường mới. Số lượng vụ kiện phòng vệ thương mại tăng rất nhiều, chừng 150 vụ. Bộ Công Thương khá tích cực thông tin doanh nghiệp, chúng ta cần chủ động cập nhật thông tin liên quan thương mại tự do do Bộ Công Thương cung cấp, chúng ta phải làm việc nhiều hơn với cơ quan thuế, cục hải quan để hiểu chi tiết hơn”, luật sư đến từ Indochine Counsel nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các CFO cũng đặt ra câu hỏi lớn tại sao các nhà đầu tư vẫn không yên lòng khi đối diện với các đợt thanh tra, kiểm tra? Còn nhiều khoảng trống rất lớn giữa nhà đầu tư và chính sách? Giữa chính sách và thực tiễn?

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty tư vấn EY Việt Nam nhấn mạnh đến khoảng trống giữa chính sách và thực thi, nhất là bộ máy công quyền tại các địa phương.

Theo bà Hương Vũ, các văn bản, quy định của Nhà nước đã cố gắng minh bạch, thông thoáng hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Theo số liệu thống kê, từ tháng 5 đến tháng 8/ 2019, 56% dự án ra khỏi Trung Quốc, trong đó 26% đã về Việt Nam. Tuy nhiên, ở khâu thực thi chính sách, cục thuế địa phương, hải quan địa phương diễn giải chính sách nhiều khi bất lợi cho doanh nghiệp. Luật sư tham gia vào các khiếu kiện của doanh nghiệp rất nhiều.

Những thay đổi mới về thuế quan, pháp lý và thương mại ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt 1
Bà Conchita Manabat, IAFEI Chaiman Advisory Council.

Bà Conchita Manabat, IAFEI Chaiman Advisory Council chia sẻ dưới góc nhìn rộng hơn, “Việt Nam không cô độc trong các luật pháp về thuế. Tuy nhiên cách diễn giải luật pháp thế nào thì ở đâu cũng có vấn đề. Tôi từng là luật sư, cũng luôn phải xác nhận đâu là điều đúng khi các cơ quan thuế áp dụng vào doanh nghiệp trong các vụ kiện”.

Theo bà Conchita, dù là nhà tư vấn thực hành, nhưng bà luôn tâm niệm mình phải đi theo con đường đúng, sự chính trực là “tiền tệ” tốt nhất mà các nhà tư vấn cần làm để bảo vệ chân lý của mình.