Nợ có khả năng mất vốn của BIDV vượt 12.000 tỷ đồng

Trần Dũng - 11:23, 26/10/2019

TheLEADERNợ xấu nhóm 5 tăng mạnh cùng với các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của BIDV trước khi ngân hàng chào đón cổ đông chiến lược nước ngoài.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019.

Trong quý 3, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 8.751 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng tốt nhất, đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 28%. Lãi từ các hoạt động khác đạt 1.491 tỷ đồng, giảm 9%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 26.398 tỷ đồng, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2018. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 3.018 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác tăng 25,3%, đạt 3.591 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của ngân hàng giảm 9%, xuống còn 10.729 tỷ đồng.

Sau 9 tháng, tổng lợi trước thuế trước trích lập dự phòng của BIDV đạt 23.529 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, vấn đề của BIDV là trích lập dự phòng rất lớn. Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm mạnh, chỉ còn 7.028 tỷ đồng.

Cụ thể, riêng trong quý 3, BIDV đã phải trích lập 5.755 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, trích lập dự phòng 16.501 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ. 

Tính tới ngày 30/9/2019, tổng nợ xấu của BIDV là hơn 22.436 tỷ đồng, chiếm 2,09% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đáng chú ý là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 70%, đạt 12.193 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi dự thu của BIDV cũng ghi nhận lớn thứ nhì hệ thống, chỉ sau Sacombank với 13.240 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến cuối quý 3, BIDV ghi nhận tổng tài sản 1,42 triệu tỷ đồng. Cũng như các ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà nước khác, BIDV đang đau đầu về vốn điều lệ quá thấp, không đáp ứng đủ hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) so với chuẩn mực Basel 2, nhất là khi mở rộng tín dụng.

Hồi cuối tháng 7 , BIDV đã chốt việc phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank số lượng 603 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV. Tổng giá trị của giao dịch là trên 20 nghìn tỷ đồng. Thương vụ này đã được khởi xướng từ cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành

Mới đây, BIDV thông báo sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 với tổng tỷ lệ 14%. Với hơn 3,4 tỷ cổ phiếu trên thị trường, ngân hàng sẽ chi khoảng 4.760 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức vào ngày 12/12 tới đây. Riêng cổ đông lớn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nắm 95,28% vốn sẽ nhận về hơn 4.535 tỷ đồng.

Dù đang rất khát vốn nhưng việc trả cổ tức bằng tiền 2 năm liên tiếp cho thấy ngày đón KEB Hana Bank đang gần kề khi BIDV hoàn thành nghĩa vụ với các cổ đông, trước khi tăng vốn đón cổ đông chiến lược mới.