Nợ xấu tăng, công ty tài chính đề xuất bỏ trần tăng trưởng tín dụng

Phương Anh - 15:04, 02/11/2021

TheLEADERTỷ lệ nợ xấu bình quân 9 - 10% trong khi con số này vào thời điểm cuối năm 2020 chỉ ở mức khoảng 6%. Dự kiến đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Nhóm các công ty tài chính hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) mới đây đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng, hoặc nới lỏng room tín dụng đối với các công ty tài chính sau khi nền kinh tế đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Việc này nhằm hỗ trợ các công ty tài chính trong cung ứng vốn cho người dân phục hồi kinh doanh, hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp này cũng đề xuất có cơ chế hỗ trợ vốn cho khối tài chính tiêu dùng để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Kiến nghị này được nhóm các công ty tài chính hội viên của VNBA đưa ra tại hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm mới đây.

Theo các doanh nghiệp này, quy định giới hạn tăng trưởng tín dụng hạn chế khả năng tăng trưởng về quy mô và điều hòa tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính, do nhu cầu của khách hàng vay tăng lên, nhất là sau dịch Covid-19, và chưa phù hợp với đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc NHNN phê duyệt.

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng dư nợ tín dụng của nhóm các công ty tài chính hội viên VBA đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu bình quân 9 - 10% trong khi con số này vào thời điểm cuối năm 2020 chỉ ở mức khoảng 6%. Dự kiến đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Khó khăn gia tăng vì Covid-19

Thời gian qua, việc giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các công ty tài chính, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.

Nhiều khách hàng là F1, F0, hoặc ở trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định.

Trong khi đó, đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên, và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm, cũng như thu phí dịch vụ, xử lý nợ xấu.

Những yếu tố này tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ, dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng đang phải đối mặt với những khó khăn khi phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Về cơ chế, chính sách, các công ty tài chính cho biết quá trình thực thi gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Đơn cử, liên quan đến thực hiện Thông tư số 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 43 về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, các đơn vị cho biết, quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng chưa phù hợp với nhu cầu người vay. Nguyên nhân là bởi đối tượng ở khu vực nông thôn, yếu thế, mức vay ít, phục vụ tiêu dùng thiết yếu là chủ yếu.

Cùng với đó, quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu, quy định nội bộ (như nhắc nợ, kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay), trách nhiệm của công ty tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng. Mức độ rủi ro của khách hàng ở mức cao hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác.

Về thực hiện Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đại diện các công ty tài chính cho biết, các tiêu chí cho vay tiêu dùng hiện chưa phù hợp.

Đơn cử, mức lãi chậm trả theo quy định tối đa không quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả là tương đối thấp, gây khó khăn cho các công ty tài chính khi cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm.

Về áp dụng cho vay sử dụng phương thức điện tử, các công ty đều đang từng bước số hóa các hoạt động của công ty nói chung và hoạt động cho vay nói riêng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định hướng dẫn, điều chỉnh về hoạt động cho vay điện tử này, dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu, áp dụng pháp luật.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn

Trước những khó khăn trên, các công ty tài chính kiến nghị các cơ quan quản lý rà soát lại quy định để hạn chế thấp nhất sự chồng chéo, điều chỉnh các quy định phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đơn cử, đề xuất xem xét tỷ lệ nợ xấu định hướng riêng cho nhóm công ty tài chính, theo mức trung bình các công ty tài chính tiêu dùng, phù hợp với đặc thù ngành.

Đề xuất điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân. Điều này sẽ giúp hạn chế người dân tìm đến “tín dụng đen”.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp cũng đề xuất xem xét đưa ra tiêu chí cho vay phù hợp với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, trong đó điều chỉnh mức lãi chậm trả lãi.

Kiến nghị xem xét bổ sung các quy định cho phép các công ty tài chính có thể chủ động trong việc áp dụng các quy định về cho vay theo hướng tinh gọn thủ tục, trình tự vay vốn trên cơ sở bảo đảm an toàn và tự chịu trách nhiệm về chất lượng tín dụng, để phù hợp hơn với đặc thù công tác thu hồi nợ và đối tượng khách hàng vay vốn của các công ty tài chính.