Tại sao BMW chịu chia sẻ công nghệ sản xuất ô tô với Vinfast?

Quỳnh Như - 15:30, 28/07/2018

TheLEADERVinfast đang phát triển với một tốc độ mạnh mẽ đúng với những gì mà Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã thể hiện trong buổi gặp gỡ ‘định mệnh’ với ông Võ Quang Huệ (khi đó vẫn là Tổng giám đốc Bosch Việt Nam).

Tại Diễn đàn kinh doanh 2018 do Forbes tổ chức, ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, giám sát dự án sản xuất ô tô của Vinfast chia sẻ: “Vinfast, chữ Fast là viết tắt của F – fast/nhanh hay tiếng Việt là Phong cách, A – An toàn, S – sáng tạo và T – Tiên phong, đây là một sự kết hợp vô cùng thú vị.

Chính sự kết nối thú vị đó cùng tinh thần quyết liệt phát triển nền công nghiệp ô tô Việt Nam của anh Vượng (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup - PV), khiến tôi quyết định rời bỏ vị trí Tổng giám đốc Bosch Việt Nam để về đầu quân cho Vinfast ngay trong lần đầu gặp gỡ.

Tôi vốn là một thạc sỹ về ngành động cơ học, tốt nghiệp ở Đức. Tôi rất mê động cơ ô tô, luôn có mơ ước làm cái gì đó cho ngành ô tô đất nước. Nên khi nghe ông Vượng chịu đầu tư tiền, tôi không chơi cũng uổng”.

Ông Võ Quang Huệ: Tôi chưa bao giờ trẻ như bây giờ
Ông Võ Quang Huệ

Kể từ đó đến nay, Vinfast đã phát triển với một tốc độ mạnh mẽ ứng với những gì mà Chủ tịch Vingroup đã thể hiện trong buổi gặp gỡ ‘định mệnh’ đó. Thế nên, chẳng có lý do gì để nghi ngờ thời điểm ra mắt hay chất lượng sản phẩm, ông Huệ nói.

23 năm trước, khi được hỏi ý kiến về phát triển công nghệ phụ trợ, ông Huệ đã từng nói là muốn nó phát triển tốt, cần có sản xuất lớn. Trong ngành ô tô, Việt Nam chỉ có sản xuất nhỏ, một năm, ngành ô tô Việt chỉ xuất xưởng tầm 5.000 đến 10.000 xe cho một dòng, với công suất như thế, tất nhiên sẽ không có đầu tư phát triển chuyên sâu, kéo theo giá thành cao, không có giá trị cạnh tranh.

Rút kinh nghiệm quá khứ, ngay từ đầu, Vinfast đã quyết tâm đầu tư lớn – sản xuất lớn, thị trường lớn. Vinfast đã đầu tư đồng bộ để có thể tự mình sản xuất ra một chiếc ô tô hoàn chỉnh. Đầu tiên là 5 nhà máy hợp tác với các công ty sản xuất thiết bị của Đức cùng những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.

Vinfast đang có 3 hình thức đầu tư: Vinfast tự đầu tư, liên doanh và doanh nhiệp khác đến thuê đất của Vinfast để sản xuất. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn xuất khẩu các sản phẩm phụ trợ ra khu vực Đông Nam Á. Bởi lẽ khi liên kết với Vinfast, nếu không bán hết, họ có thể xuất khẩu. Hiện Vinfast đã có 8 dự án về công nghệ hỗ trợ, sẵn sàng cho việc xuất xưởng 2 dòng xe SUV và Sedan trong năm tới, tiến tới nội địa hóa 50% trong tương lai gần.

“Nhân sự cho ngành ô tô cũng là một bài toán khó giải khác, song Vinfast đã giải được. Hiện Vinfast có một trung tâm nghiên cứu quy tụ các chuyên gia về lĩnh vực ô tô cả trong nước lẫn quốc tế, kết nối với các nhà cung cấp Đức. Hiện đang có 2.000 nhân sự của Vinfast sẵn sàng cho việc chuyển giao công nghệ từ Đức. Ngoài ra, Vinfast cũng đã mở một trường đào tạo dạy nghề để tự đào tạo nhân công cho bản thân”, ông Huệ cho biết. 

Tinh thần quyết liệt đó thể hiện rõ nét trong quá trình đàm phán với BMW. Lúc ông Huệ đến gặp BMW, họ chẳng biết Vinfast là ai, chỉ biết ông Huệ từng nhiều năm làm việc cho BMW, là Tổng giám đốc của Bosch Việt Nam. Thế nên, việc đầu tiên của ông Huệ là phải giới thiệu sơ về đề án Vinfast cho đại diện BMW.

Trong quá trình đàm phán, có lẽ, BMW bị sự hào hứng cũng như sự ủng hộ mãnh liệt của Vingroup cho dự án Vinfast làm cho "cảm động". Chỉ sau 5 tháng, BMW đã đồng ý chuyển giao công nghệ về động cơ ô tô cho Vinfast sản xuất ở Việt Nam. Theo ông Huệ, đây là một kỷ lục của thế giới.

Như đã nói ở trên, hầu hết kỹ thuật – công nghệ quan trọng của ô tô Vinfast đều được chuyển giao từ người Đức, cái nôi của khoa học – kỹ thuật thế giới, đất nước tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Phần thiết kế, Vinfast đã tìm đến với người Ý, bậc thầy trong lĩnh vực này. Các sản phẩm ô tô của Vinfast sẽ có chất lượng chuẩn Đức, kiểu dáng chuẩn Ý.

“Vì làm điều mình thích, có cơ hội chạm đến ước mơ thời trẻ, nên tôi cảm thấy chưa bao giờ mình trẻ như bây giờ”, ông Huệ cho biết.